Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định, tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được xếp ở nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Người phạm tội dùng tiền để kinh doanh bất hợp pháp. Hành vi cho người khác vay tiền dưới nhiều hình thức, như: Vay, mượn hoặc ký nợ, thông qua hình thức hợp đồng viết hoặc thỏa thuận bằng miệng với mức lãi suất vi phạm quy định, cụ thể: Khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 quy định cấu thành cơ bản của loại tội này là: "Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất cao gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS), thu lời bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...". Như vậy, theo quy định trên thì người cho người khác vay với mức lãi suất cao gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS mới bị xử lý hình sự. Trong đó, Khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 quy định các bên có thỏa thuận về lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản vay. Ngoài điều kiện về lãi suất, hành vi phạm tội trên còn phải có đủ một trong các điều kiện sau: Một là, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hai là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng trong thời hạn là 12 tháng; ba là đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó trưởng phòng 1 Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội: Riêng điều kiện thu lợi bất chính, cách hiểu thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên chưa được thống nhất. Trên thực tế, khi chứng minh số tiền thu lợi để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, đối tượng cho vay thường dùng các thủ đoạn tinh vi để trốn tránh, lách luật, như: Hợp đồng vay nợ không ghi thỏa thuận về lãi suất, bên cho vay khấu trừ luôn tiền lãi và gộp cả lãi và gốc thành số tiền nợ ghi trong hợp đồng, gây khó khăn trong việc xác định lãi suất vi phạm quy định và số tiền thu lợi bất chính để xử lý; bên cho vay yêu cầu người vay viết giấy vay nhận tiền với số tiền chỉ từ 10 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng, thời gian phải thanh toán tiền vay từ 30 đến 40 ngày, giấy viết không ghi mức lãi suất mà mức lãi suất các bên thỏa thuận bằng miệng với mức 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày; trường hợp cho vay số lượng tiền lớn thì thời gian thanh toán không nhiều ngày. Trong khi đó, điều kiện để cấu thành tội phải là thu lời bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Do vậy, số tiền thu lợi bất chính đều dưới 30 triệu đồng, điều này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng pháp luật.
Thực tế, hiện chưa có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao hoặc hướng dẫn của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nên việc áp dụng xử lý đối với loại tội này gặp nhiều vướng mắc. Cần sớm có hướng dẫn để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của xã hội, kịp thời ngăn ngừa hành vi cho vay nặng lãi và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý hành vi cho vay nặng lãi. Ông Đỗ Minh Tuấn kiến nghị: "Các cơ quan pháp luật Trung ương cần có văn bản đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sớm có văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật đối với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo hướng: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất cao gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, tiền thu lợi bất chính của từng hợp đồng vay sau khi đã được trừ phần thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ để làm căn cứ xác định phạm tội hay không phạm tội"
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng: Đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng, việc nghiên cứu và xem xét toàn diện những vấn đề liên quan đến lãi suất giúp việc áp dụng luật chuyên ngành được thống nhất, đúng luật định; đồng thời, có ý nghĩa bảo đảm tính chính xác, làm cơ sở tính toán nghĩa vụ trả nợ của các bên và là cơ sở để cơ quan pháp luật tạo điều kiện cho các đương sự có thể đưa ra được các phương án giải quyết tranh chấp hợp lý. Để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động cho vay nặng lãi, thời gian tới, cần tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân thông qua các tổ chức tín dụng đã được cấp phép. Khuyến khích người dân trình báo với cơ quan chức năng các trường hợp cho vay trái pháp luật. Cùng với đó, Chính phủ nên có những quy định đối với hoạt động tín dụng phi pháp bằng cách đưa vào quản lý, đồng thời tạo điều kiện để các công ty tài chính hợp pháp phát triển thay thế tín dụng đen dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
DƯƠNG SAO