Tham gia buổi làm việc có các đồng chí: Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Tăng Minh Lộc, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Phát triển nông thôn; Nguyễn Ngọc Thụy đại diện Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng và đại diện Công ty Cổ phần đầu tư thương mại quốc tế Âu Lạc...

Đoàn công tác làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai.

Tại tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác đã thăm và làm việc với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát. Đây là mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao lớn nhất cả nước. Hợp tác xã có 12 thành viên với quy mô tổng đàn hàng năm suất 2-2,5 triệu con gà thương phẩm; hiện tại mỗi ngày hợp tác xã xuất chuồng 25.000 con gà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho biết, giai đoạn đầu hợp tác xã chăn nuôi theo quy mô nông hộ. Trong quá trình chăn nuôi, tôi nhận thấy nếu cứ đi một mình sẽ không thể mở rộng quy mô, khó cạnh tranh và không thể làm việc với các đối tác lớn. Từ thực tế đó, tôi đã tập hợp anh em, bạn bè cùng chăn nuôi thành lập hợp tác xã với mong muốn đi ra biển lớn và xác định phải xây dựng được chuỗi liên kết khép kín từ khâu đầu vào như: Giống, thuốc, thức ăn đến chăn nuôi, giết mổ, xuất khẩu và đặc biệt là phải liên kết với các doanh nghiệp lớn.

Trang trại gà của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, đây là HTX đi đầu của cả nước trong xây dựng chuỗi giá trị khép kín và quy mô lớn không thua kém mô hình HTX ở một số nước phát triển. Ông cho rằng, các hợp tác xã nông nghiệp trong từng lĩnh vực cần phải phát triển theo hướng xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao để giảm giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh. Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã để xây dựng các chuỗi giá trị theo từng ngành hàng như: Chuỗi giá trị lúa gạo nội địa tại Đồng bằng sông Cửu Long trong đó Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật quốc phòng là đơn vị chủ trì, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Âu Lạc là đơn vị công nghệ cung cấp công nghệ vi sinh....

Để trang trại nuôi gà đạt chất lượng xuất khẩu sang Nhật Bản, ông Lê Văn Quyết cho biết, trại phải đảm bảo các yêu cầu rất khắt khe. Trước hết, Công ty TNHH Koyu & Unitek (Nhật) cử chuyên gia Nhật Bản xuống thẩm định thực tế tại trang trại, vị trí trại phải xa khu dân cư, chuồng trại xây bài bản, đảm bảo an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm, thoáng mát, xanh sạch. Trại gà nằm trong chuỗi liên kết xuất khẩu nên phải truy xuất nguồn gốc xuất xứ từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, nhà máy chế biến giết mổ. Đặc biệt, trại gà sử dụng hệ thống làm mát tự động, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… sẽ được điều chỉnh tự động theo từng ngày tuổi của con gà. Cám chở từ nhà máy bằng xe bồn, bơm vào silo qua hệ thống tự động dẫn vào các máng ăn. Nước uống và thuốc thú y sử dụng máy pha thuốc cũng qua hệ thống tự động đưa đến từng núm uống. Ngoài ra, trại gà sử dụng chất đệm sinh học và công nghệ khử mùi hôi. Trại gà không có nước thải nên không ô nhiễm môi trường.

Tin, ảnh: NGỌC HOÀNG