Thông tin tại toạ đàm cho thấy, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, khi cả nước đang gồng mình chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Thủ tướng đã lắng nghe các kiến nghị của các nhà đầu tư, giao các bộ, ngành, địa phương xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được quan tâm hoàn thiện và toàn diện hơn, qua đó giúp kết quả cải cách thực chất hơn, hiệu quả và thiết thực hơn.

Quang cảnh toạ đàm. Ảnh: ĐOÀN BẮC 

Về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vượt lên những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, thu hút vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng tăng 4,4%. Cụ thể, tính đến ngày 20-9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, có 1.212 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 37,8%), tổng vốn đăng ký đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ 2020); 678 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 15%), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ 2020); 2.830 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 45,3%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD (giảm 43,8% so với cùng kỳ 2020). Kết quả này thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội của Việt Nam.

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm Samsung Việt Nam này vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu, và nếu nhà máy tại TP Hồ Chí Minh sớm hoạt động trở lại thì công ty sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay. “Dịch Covid-19 gây ra những khó khăn nhưng về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Trung tâm R&D này sẽ nghiên cứu phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, góp phần nâng tầng tổ hợp Samsung tại Việt Nam. Và với sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới Samsung sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp tục đầu tư thiết bị cho 6 nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho thông tin.

Sản xuất linh kiện kỹ thuật cao cho điện thoại di động tại Công ty CP CrucialTec Vina (KCN Yên Phong). Ảnh: Báo Bắc Ninh 

Nhấn mạnh quan điểm nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài vào sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, Tập đoàn Nestle vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương. Về lý do Nestlé quyết định mở rộng đầu tư, ông Binu Jacob cho hay cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang là nhà máy hiệu quả hàng đầu của Nestlé. Vì vậy, tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất mới tại Đồng Nai.

VŨ DUNG