Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2016-2021). Hiện Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.

leftcenterrightdel

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều năm 2021 của Việt Nam - EU là 57 tỷ USD, tăng trưởng so với năm 2020 là 14,5%. EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại Việt Nam với 2.413 dự án, với tổng vốn đầu tư là 27,8 tỷ USD, chiếm 6,45% về số vốn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có tốc độ tăng trưởng lớn so với năm 2020, với những mặt hàng có tiềm năng lớn như rau củ quả, thủy sản, dệt may… Các mặt hàng phải chịu mức thuế cao cần tận dụng lợi thế của EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó cần thúc đẩy xây dựng thương hiệu Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu nước ngoài.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), EVFTA sẽ giúp gạo Việt Nam có vị thế tốt hơn ở thị trường châu Âu cũng như có sức lan tỏa ở nhiều thị trường khác. Muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo cần có sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP thực thụ và nên có chọn lọc sản phẩm, cụ thể là nên chọn những loại có chất lượng cao thay vì gạo có chất lượng thấp.

Theo Bộ Công Thương, bên cạnh những thành quả bước đầu, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế tồn tại. Kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng trưởng nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn và tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam dù đã hiện diện tại EU nhưng số lượng còn tương đối khiêm tốn…

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cập nhật và nâng cấp cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam, kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các hiệp hội; triển khai đánh giá việc thực thi EVFTA tại các tỉnh, thành phố. Cùng với đó là đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn vào các khóa tập huấn, hội thảo chuyên đề thiết thực với doanh nghiệp; thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng EVFTA, thúc đẩy kết nối…

Tin, ảnh: HOÀNG CHUNG