Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, nếu mỗi chiếc xe hơi lưu thông trên đường được ví như một trạm phát thải di động, thì Việt Nam đang có gần 6,5 triệu trạm phát thải như vậy. Những chiếc xe hơi này cũng được coi là 1 tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Việc chuyển đổi, thay thế hay thậm chí “đóng cửa” những trạm phát thải này không chỉ là hành động phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới, mà còn là một nhiệm vụ cấp bách nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 (còn gọi là Net Zero) vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
|
|
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại hội thảo. |
Theo ông Lê Trọng Minh, thời gian qua, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực để cùng chung tay tạo động lực mới cho ngành ô tô, mở lối cho những chiếc xe “xanh” lăn bánh, tạo nên một không gian giao thông xanh, sạch hơn. Thị trường ô tô ít hoặc không phát thải, có thể gọi chung là ô tô “xanh” đang đứng trước một cơ hội to lớn để phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam cũng được đánh giá là sẽ không vấp phải vấn đề quá lớn khi chuyển từ sản xuất ô tô động cơ đốt trong sang những loại xe thuần điện. Thậm chí, Việt Nam còn có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện, một sự lựa chọn tất yếu của tương lai, nếu có những hành động quyết liệt, cụ thể và kịp thời.
|
|
Các đại biểu chia sẻ thông tin tại hội thảo, nhấn mạnh tiềm năng phát triển xe điện tại Việt Nam.
|
Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Đào Công Quyết cho rằng, các nhóm chính sách tác động đến phát triển ngành công nghiệp ô tô gồm: Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, hạ tầng xe điện và năng lượng xanh; chính sách thuế, phí gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ; chính sách bảo vệ môi trường; thử nghiệm và chứng nhận xe điện; tiêu chuẩn, quy chuẩn xe điện và trạm sạc. Ông Đào Công Quyết đề xuất, cần có lộ trình phát triển xe điện hóa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam và có chính sách ưu đãi cho từng dòng xe điện hóa nhằm hỗ trợ, khuyến khích người tiêu dùng, hướng tới giảm phát thải CO2.
Từ phía đơn vị sản xuất ô tô, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành hãng xe BYD tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người và tỉ lệ dân số vàng chiếm phần lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao, cơ sở hạ tầng đường cao tốc được đầu tư, mở rộng một cách mạnh mẽ..., đây là những tiềm năng rất lớn cho ngành xe điện nói riêng và xe năng lượng mới nói chung.
Ông Võ Minh Lực cho rằng, cần từng bước loại bỏ các phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch truyền thống để chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thay thế như CNG, hybrid, hydrogen, thuần điện hoàn toàn... Việc chuyển đổi này chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức nhưng về lâu dài sẽ giúp giảm thiểu phát thải các khí gây ô nhiễm môi trường, góp phần tạo nên cuộc sống xanh hơn.
Để hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa ngành ô tô, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, đơn vị truyền thông và người tiêu dùng. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách ưu đãi, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ mới. Người tiêu dùng cần thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh.
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.