Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá các cơ chế, chính sách hỗ trợ và thực trạng hoạt động cấp tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tìm ra các rào cản và tồn tại, hạn chế làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng và tiếp cận vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Phát biểu tại hội thảo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh: Kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. 

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN SAO

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngành ngân hàng, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70 đến 80% giá trị của dự án, phương án; cơ chế xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ); ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Về kết quả cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Đến cuối tháng 8-2024, dư nợ cho vay đạt gần 27.000 tỷ đồng với hơn 9.600 khách hàng còn dư nợ.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NGUYỄN SAO

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (trong đó có chính sách cho vay ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp) theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; triển khai một số chương trình cho vay như: Chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình cho vay phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

HỒNG ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.