Năm 2019, Bộ Tài chính đã hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh được giao, trong đó đã trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án Luật (Luật Quản lý thuế sửa đổi, Luật Chứng khoán sửa đổi); 1 Nghị quyết (Nghị quyết về khoản tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN); đã trình Chính phủ ban hành 11 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 88 Thông tư về lĩnh vực quản lý tài chính-ngân sách, tập trung vào các cơ chế, chính sách, các giải pháp tài chính nhằm tăng cường quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường quản lý sử dụng tài sản công. Đồng thời, đã trình Chính phủ báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động và kiến nghị giải pháp tăng cường quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị.

Nhờ chủ động trong triển khai thực hiện, kết hợp với sự phát triển khả quan của nền kinh tế, thu cân đối NSNN đến ngày 31-12-2019 đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng (tăng 9,79%) so với dự toán, trong đó: Thu nội địa vượt 100,2 nghìn tỷ đồng (tăng 8,5%), thu từ dầu thô vượt 11,7 nghìn tỷ đồng (tăng 26,1%) và thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu vượt 25,3 nghìn tỷ đồng (tăng 13,4%) so với dự toán; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 25,7% GDP, huy động từ thuế và phí khoảng 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP). Thu ngân sách Trung ương vượt 32 nghìn tỷ đồng (tăng 4%) so với dự toán, thu ngân sách địa phương vượt hơn 106,2 nghìn tỷ đồng (tăng 17,7%) so dự toán; 63/63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu NSNN trên địa bàn; 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu ngân sách địa phương. Cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến và ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên trên 82% năm 2019, tỷ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 3,6% năm 2019 và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm từ mức 18,2% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn 13,9% năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Công tác điều hành chi NSNN chủ động, tích cực. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán chi NSNN năm 2019, với những yêu cầu chặt chẽ về thời gian phân bổ, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, đảm bảo phù hợp với thực tế, tiết kiệm và phát huy được hiệu quả kinh phí. Trong điều hành đã tăng cường công tác thanh tra tài chính-ngân sách, công tác kiểm soát chi NSNN, qua đó phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động bố trí các nhiệm vụ chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN và tài sản công. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2019 đạt khoảng 27% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên còn khoảng 61% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%). Đồng thời, đã kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu giảm bội chi NSNN thấp hơn mức Quốc hội quyết định; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương; siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, góp phần giảm nợ công. Đến cuối năm 2019, dư nợ công dưới 55% GDP, nợ Chính phủ dưới 48,5% GDP (nợ trong nước chiếm 62,3%, nợ ngoài nước chiếm 37,7%). Đến ngày 31-12-2019 giải ngân vốn đầu tư phát phát triển nguồn NSNN khoảng 62,94% dự toán, ước đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán giải ngân đạt 73-75% dự toán.

Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN đã được Quốc hội thông qua, bám sát chủ đề: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính xác định mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2020 như sau: Phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất mục tiêu tài chính-NSNN giai đoạn 2016-2020; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại NSNN, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển nhanh và bền vững; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội. Phấn đấu tăng thu NSNN năm 2020 hơn 3% so với dự toán Quốc hội quyết định; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế. Tổ chức điều hành chi NSNN năm 2020 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN và tài sản công; siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách... 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Năm 2019 tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, thiên tai bất thường, chiến tranh thương mại nhiều vấn đề không lường hết... nhưng năm vừa qua, ngành tài chính đã hoàn thành toàn diện xuất sắc về quản lý NSNN. Không chỉ hoàn thành về mặt số lượng mà còn hoàn thành cả mặt chất lượng, xuất siêu trên 500 tỷ USD, tăng trưởng tốt, các lĩnh vực thu lớn, lạm phát được kiểm soát, các chỉ tiêu vĩ mô khác ổn định… đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đời sống của người dân, nhất là ở vùng nông thôn miền núi được cải thiện rõ nét, khả năng chống chịu của nền kinh tế tốt hơn. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam xuất hiện nhiều hơn, cho thấy sự thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nước ta, “ngành tài chính năm 2019 đã thắng lợi toàn diện và rất nhiều mặt xuất sắc”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, ngành tài chính đã góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển vững chắc, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng nhiều năm liên tục. Gần đây có một số tổ chức quốc tế cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam không quá nóng cũng không quá lạnh, thành công của nước ta là sự linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tốt, đặc biệt là cân đối tài chính NSNN. “Chúng ta đã chủ động điều hành tốt chính sách tài khóa, nếu như trước đây khó khăn thì nay đã giải quyết tốt hơn nhiều. Đặc biệt năm 2019, giảm bội chi hàng mấy nghìn tỷ đồng, nợ công dưới 55% GDP, giảm gần 10% so với năm 2016, dư địa nguồn lực trong phát triển là tốt”, Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan trong điều hành, kiểm soát chặt chẽ giá thị trường; kiểm soát lạm phát; thực hiện tốt hoạt động chống buôn lậu, hàng giả.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Thủ tướng mong muốn ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược với tinh thần kiến tạo phục vụ, thể hiện tầm nhìn vĩ mô vì lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia dân tộc, không né tránh nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Tiên phong trong thúc đẩy phát triển đất nước, đây là truyền thống lịch sử tốt đẹp của ngành tài chính Việt Nam trong 75 năm qua. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính thời gian tới cần: Tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành; tiếp thu lắng nghe, có tinh thần thái độ làm việc cầu thị; phải có trách nhiệm trong phục vụ nhân dân, chống tham nhũng tiêu cực. Về giải ngân vốn đầu tư công, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay từ đầu năm, không để giải ngân chậm tái diễn trong năm 2020, vai trò của Bộ Tài chính trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công rất quan trọng. Năm 2019, việc cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước triển khai chậm, mới chỉ có 12 doanh nghiệp được phê duyệt phương án là rất thấp… vì vậy cần phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc, nhất là trong vấn đề đất đai. Bên cạnh đó, ngành tài chính cần tiếp tục cải cách thể chế, đổi mới tư duy; Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kiểm soát lạm phát, tiết kiệm chi ngân sách, đẩy mạnh sắp xếp đổi mới bộ máy…

Tin, ảnh: VIỆT ANH