Liên quan đến các trường hợp dương tính với Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố, dự án có hơn 200 cán bộ, công nhân viên thực hiện cách ly tập trung và 2 gói thầu XL-11A, XL-13 đang được phong tỏa. Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, để mọi hoạt động ở dự án không bị ngưng trệ, một ê kíp nhân sự được điều phối từ các khu vực không bị ảnh hưởng dịch bệnh trám vào các vị trí đang phải cách ly y tế để tiếp tục điều hành.
Doanh nghiệp thực hiện dự án đã chỉ đạo các đơn vị nhà thầu thi công, tư vấn giám sát khoanh vùng dịch, bố trí nhân sự phù hợp, tăng cường máy móc thiết bị để thi công ngày, đêm đủ 3 ca/ngày nhằm bảo đảm tiến độ theo yêu cầu phải hoàn thành thông xe kỹ thuật trong tháng 11-2021. Khối lượng thực hiện toàn dự án đạt 70%, tuyến chính đạt 32,5/40km đủ điều kiện dỡ tải, trong đó đã dỡ tải xong 29/40km. Phần nền đường lớp 1 đã hoàn thành 24/45km, lớp 2 đã hoàn thành 20/45km, bên cạnh đó cũng cơ bản hoàn thành tất cả 39 cầu trên tuyến chính.
 |
Thi công ca đêm trên công trường đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Ảnh: THANH XUÂN.
|
Với việc đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đang được khẩn trương hoàn thành, mạng lưới đường cao tốc nước ta sẽ tiếp tục được mở rộng. Cả nước hiện mới chỉ có 1.163km đường cao tốc, là một trong những lý do khiến hạ tầng giao thông chưa có sự bứt phá đủ lớn, thậm chí còn là điểm nghẽn của nền kinh tế. Cùng với quyết tâm “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc đổi mới tư duy trong việc phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng được cơ chế đột phá trong thu hút vốn đầu tư tư nhân là chìa khóa, góp phần giúp sớm nối thông cao tốc Bắc-Nam vào năm 2025 và có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 như mục tiêu đề ra.
Giai đoạn 2016-2020, một số nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư đường cao tốc dưới hình thức BOT như tại các dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, Trung Lương-Mỹ Thuận, Hạ Long-Vân Đồn, do địa phương trực tiếp đóng vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm quốc gia được triển khai nhờ nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có vốn của nhà đầu tư và vốn vay tín dụng. Có thể kể đến như các tuyến hầm đường bộ qua Đèo Cả, đèo Cù Mông, đèo Hải Vân, giúp tăng năng lực giao thông, giảm tai nạn, tốc độ lưu thông của các phương tiện vận tải nhanh chóng hơn. Các dự án này đã huy động nguồn vốn theo đúng quy định của luật pháp và Hợp đồng BOT đã ký kết với Bộ Giao thông vận tải; nguồn vốn vay được giải ngân vào các hạng mục của công trình. Đến nay các dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành, phát huy giá trị đúng theo mục tiêu đầu tư ban đầu.
Trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế thì việc kêu gọi các đối tác tư nhân tham gia cùng nhà nước theo hình thức PPP là giải pháp hoàn toàn đúng đắn, xã hội hóa hạ tầng giao thông. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc khơi thông nguồn vốn cho các dự án. Vì vậy, cần có sự nhìn nhận đúng đắn, khách quan và các chính sách khuyến khích để tiếp tục khơi thông nguồn vốn xã hội hóa vào dự án hạ tầng giao thông.
MẠNH HƯNG