 |
Quang cảnh hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức đòi hỏi cần có sự chuyển đổi để bắt kịp và thích ứng với bối cảnh mới.
Tại Nghị quyết 52/NQ-TW của Bộ Chính trị và Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Tuy nhiên thực tiễn đặt ra, để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng cần triển khai mạnh mẽ hơn việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật cho chuyển đổi số, cũng như thúc đẩy cho phát triển ngân hàng thông minh.
Hội thảo sẽ tập trung thảo luận và làm rõ những nội dung về bối cảnh phát triển ngân hàng thông minh trên thế giới và trong khu vực, sự cần thiết chuyển đổi sang mô hình ngân hàng thông minh, các chiến lược và giải pháp toàn diện thúc đẩy phát triển ngân hàng thông minh và các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin cho ngân hàng thông minh... để từ đó đề xuất những giải pháp và kiến nghị về phát triển ngân hàng thông minh trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 |
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu mở đầu hội thảo. |
Thông tin tại hội thảo cho thấy, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực: Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; đồng thời rà soát, ban hành quy định pháp lý đáp ứng mô hình ngân hàng số, các dịch vụ ngân hàng số, hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới, bảo vệ dữ liệu, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, an ninh, an toàn.
Các tham luận tại hội thảo cũng khẳng định, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiết kiệm), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh; nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số; ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Đáng chú ý, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số;..
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Để thực hiện mục tiêu nói trên, cần có sự tham gia, phối hợp tích cực từ các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan không chỉ là ngành ngân hàng.
Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Chuyển đổi nhận thức; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng công nghệ Cách mạng Công nghiệp 4.0 để cung ứng sản phẩm, dịch vụ an toàn tiện lợi với chi phí thấp; bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
 |
ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu trực tuyến tại hội thảo. |
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cho biết, xác định phát triển ngân hàng số là nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu trở thành “Ngân hàng thuận tiện nhất”, MB đã đầu tư bài bản về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, tăng tốc mở rộng hệ sinh thái số…Trong năm 2021, ngân hàng đã tiên phong triển khai nhiều tiện ích số theo xu hướng này như tạo tài khoản số đẹp theo sở thích, in thẻ lấy ngay, tạo mã thanh toán VietQR riêng, hay ứng dụng công nghệ tích hợp “thiện nguyện” đáp ứng nhu cầu của xã hội về minh bạch trong các công tác quyên góp từ thiện …, đồng thời góp phần đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt nhiều dịch vụ như: điện, nước, viễn thông, đặt khách sạn, mua vé máy bay, bảo hiểm, chứng khoán…
Tin, ảnh: VŨ DUNG