Ngày 16-3, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm về việc triển khai thực hiện Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 195/2015//TT-BTC của Bộ Tài chính về thuế tiêu thụ đặc biệt...
Theo Nghị định 108 thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được tính dựa theo giá bán ra cuối cùng của công ty phân phối có quan hệ công ty mẹ, công ty con đối với công ty sản xuất và không được cao hơn 7% so với giá công ty sản xuất bán ra.
Để phù hợp với các quy định của Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh và Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu, các công ty sản xuất và nhập khẩu rượu cũng không thể bắt buộc hay đảm bảo được mức giá bán ra của các công ty phân phối trong cùng hệ thống là không cao hơn 7% mức giá họ bán ra được, nhất là khi một trong những đặc thù của ngành đồ uống là giá bán ra thị trường sẽ thay đổi theo mùa thì công ty phân phối không thể có một giá bán cố định cho các sản phẩm của mình. Như vậy, nếu quy định mức chênh lệch giá 7% như trong Nghị định 108 sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho cả doanh nghiệp trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Hơn nữa, điều này sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, nhiều doanh nghiệp đồ uống đề nghị nên lùi thời gian thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 đối với các doanh nghiệp Bia - Rượu - Nước giải khát đến ngày 1-1-2017 (thay cho thời điểm ngày 1-6-2016) để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị thực hiện và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy định về cách thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và phù hợp với các quy định pháp luật.
Đại diện nhiều doanh nghiệp tại tọa đàm cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giữ nguyên cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán ra của cơ sở sản xuất (như quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành), trong cả hai trường hợp: Cơ sở sản xuất bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại có mối quan hệ công ty mẹ - công ty con với cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất bán hàng thông qua các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét lại quy định về cách thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu có thể hoạt động có hiệu quả và phù hợp với các quy định của pháp luật; giữ nguyên mức chênh lệch 10% giá bán tại cơ sở thương mại như trước đây.
Tin, ảnh: THÁI SƠN