Theo ông Phạm Văn Điển, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay: Năm 2020, cả nước đã trồng được 230.288 ha rừng, đạt 105% so với kế hoạch, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 10.143 ha, rừng sản xuất 220.145 ha. Về khai thác gỗ rừng sản xuất đạt khoảng 30 triệu m3, đáp ứng được 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, trong đó gỗ rừng trồng tập trung (rừng sản xuất) là 20,5 triệu m3; khai thác gỗ vườn nhà, cây phân tán, gỗ cao su đạt 9,5 triệu m3.

Năm 2020, mặc dù tác động của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến sản xuất chế biến và tiêu sản phẩm gỗ và lâm sản, Tổng cục Lâm nghiệp đã luôn chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản để nắm bắt tình hình. Từ đó, đó tham mưu để Bộ NN&PTNT có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời Tổng cục Lâm nghiệp cũng theo dõi và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế. Qua đó đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất để duy trì tăng trưởng của ngành. Kết quả, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2020 đạt khoảng 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019, xuất siêu cả năm của ngành lâm nghiệp ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019. Ngoài ra, cũng trong năm 2020, cả nước thu được 2.566,8 tỷ đồng, trong đó Quỹ dịch vụ môi trường rừng Trung ương thu 1.604 tỷ đồng, Quỹ địa phương thu 962,1 tỷ đồng.

 Toàn cảnh hội nghị chiều ngày 6-1 tại Hà Nội.

Năm 2021, ngành lâm nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu: trồng rừng tập trung 230.000 ha (rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất); khoanh nuôi tái sinh rừng 150.000 ha, trồng 200 triệu cây phân tán; khai thác gỗ rừng sản xuất khoảng 32 triệu m3 (rừng sản xuất tập trung 21,5 triệu m3; khai thác cây trồng phân tán, gỗ vườn nhà 5,5 triệu m3; gỗ cao su 5 triệu m3, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 14 tỷ USD, thu dịch vụ môi trường rừng 2.800 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng mặc dù dịch Covid-19 đã tác động lớn đến ngành lâm nghiệp, đặc biệt là quý 1 năm 2020. Đồng thời tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai gây thiệt hại lớn cho rừng, cạnh tranh thương mại toàn cầu là những thách thức đối với ngành lâm nghiệp trong năm 2020. Tuy nhiên với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã khống chế được dịch Covid-19; cùng với đó là sự vào cuộc tích cực, chủ động của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản đã phục hồi nhanh chóng, cả năm tiếp tục tăng trưởng mạnh. Tăng trưởng của ngành lâm nghiệp năm 2020 chính là “cứu cánh” giúp toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đạt được kim ngạch xuất khẩu đề ra. Tăng trưởng của ngành lâm nghiệp không chỉ giúp nông nghiệp tăng trưởng mà đằng sau đó là thu nhập của người lao động, sinh kế của người trồng rừng. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng ghi nhận và biểu dương những đóng góp của ngành lâm nghiệp năm 2020. Đồng thời mong muốn năm 2021, ngành lâm nghiệp tiếp tục phấn đấu các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, trong đó cần quan tâm hơn nữa đến công tác trồng rừng vừa bảo vệ môi trường sinh thái vừa góp phần đẩy mạnh trồng rừng sản xuất cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến, đưa ngành lâm nghiệp của đất nước tiếp tục phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người trồng rừng.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM