Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã tích cực triển khai thực hiện phương án gắn với điều kiện thực tế, vai trò chức năng từng cơ quan, đơn vị. Là đơn vị trực tiếp khai thác cảng Tân Cảng - Cát lái, Tân Cảng - Hiệp Phước và chiếm thị phần lớn tại các cảng nước sâu Cái Mép, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tích cực, chủ động triển khai điều tiết hài hòa hàng hóa giữa bến cảng. Sau một năm triển khai, giao thông qua khu vực thông thoáng hơn (tốc độ xe container ra vào cảng chỉ tăng 4,3%, trong khi tốc độ tăng trưởng sản lượng Cảng Cát Lái là 8,3%), tỷ trọng giao nhận bằng đường thủy tăng từ 7,9% lên 10,4%, tỷ lệ khách hàng giao nhận các Cảng Cái Mép và Tân Cảng- Hiệp Phước tăng so với trước.

Hàng hóa ra vào cảng Tân Cảng – Cát Lái, quận 2, TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, một số khách hàng chuyển 100% hàng nhập từ cụm cảng Cái Mép về cảng Tân Cảng – Hiệp Phước thay vì cảng Cát Lái. Hàng hóa từ cảng Cái Mép chuyển về các cảng Bình Dương, Đồng Nai tăng đáng kể. Bên cạnh đó, sản lượng container xuất nhập khẩu các cảng Cái Mép trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 23% so cùng kỳ, còn sản lượng chuyển tải qua cảng Cát Lái giảm 6%.

Tại cuộc họp, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các hãng tàu, chủ hàng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp tới các bộ, ngành liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới tại khu vực TP Hồ Chí Minh và Cái Mép. Trong đó, nổi bật là chú trọng hoàn thiện các tuyến đường, nút giao thông quan trọng dẫn vào các cảng, nâng cao năng lực một số cầu tàu, hiện đại hóa trong thủ tục liên quan đến hàng hóa cảng biển...

Tin, ảnh: HÙNG KHOA