Thủy sản là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) tán thành với việc sửa đổi Luật Thủy sản năm 2013, dự thảo luật lần này có nhiều nội dung mới, có tính bao quát và khả thi.

Điều 5 về nguyên tắc hoạt động thủy sản, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nhất trí với 4 nguyên tắc như trong dự thảo luật nhưng đề nghị bổ sung thêm 1 nguyên tắc thứ 5 đó là hoạt động sản xuất, khai thác và chế biến thủy sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Đây là nguyên tắc rất quan trọng trong đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

leftcenterrightdel

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương – TP Cần Thơ phát biểu ý kiến về dự án Luật thủy sản (sửa đổi). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội. 

“Điều 6 về chính sách của Nhà nước cho hoạt động thủy sản, tại Điểm C khoản 1 về nâng cấp quản lý hoạt động trang thiết bị, kiểm ngư, hệ thống theo dõi, giám sát tàu cá trên biển... tôi băn khoăn quy định tại điểm này là những trường hợp bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ được công nhận thương binh, liệt sĩ. Nên chăng, chỉ quy định những trường hợp thực thi nhiệm vụ cụ thể thì sẽ được xem xét công nhận thương binh hay liệt sĩ còn những trường hợp khác thì quy định được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước về người có công. Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc điểm này để quy định sao cho hợp lý và tương đồng với các quy định khác”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng: Chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế biển thì biển phải “lành”, do đó việc nuôi trồng, khai thác thủy sản phải giống như an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Thời gian qua, lực lượng kiểm ngư trên biển còn thưa thớt, lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, giới hạn về quyền hạn, ranh giới không rạch ròi và phương tiện cũ... Vì hạn chế này nên việc thanh tra chưa đủ ngăn chặn hiệu quả, các dụng cụ khai thác tận diệt làm cho nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ. Cần có lực lượng kiểm ngư thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác hỗ trợ ngư dân.

“Tôi thống nhất với nhóm ý kiến thứ 3 là cần có kiểm ngư cấp tỉnh và một số tỉnh có biển, có nguồn lợi thủy sản phong phú để bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, để tránh trường hợp thành lập ồ ạt các chi cục kiểm ngư cấp tỉnh, đầu tư mua sắm trang thiết bị nhưng không đủ nhân lực, kinh phí hoạt động, gây lãng phí...dẫn đến hủy diệt nguồn  lợi. Do đó, tôi đề nghị giao thẩm quyền cho Chính phủ và phân cấp cho UBND cấp tỉnh, chỉ thành lập kiểm ngư cấp tỉnh theo phương án công khai biên chế theo Nghị quyết 39, thành lập theo lộ trình và chỉ thành lập khi cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết.

Về cho thuê mặt nước nuôi thủy sản, dự thảo luật đã dành 5 điều để quy định về việc giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản là những điểm mới, tiến bộ nhằm khuyến khích các ngành đi thuê. Đại biểu này thống nhất với dự thảo chỉ quy định thời gian giao, cho thuê tối đa 20 năm và gia hạn thời gian thuê theo quy định tại khoản 5 Điều 44 mà không quy định thời gian tối thiểu cho phù hợp với thực tiễn. Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, 20 năm là quá đủ cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư cơ sở hạ tầng.

Liên quan đến kết cấu của dự thảo luật, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng: “Nếu phân theo khoảng cách gần bờ, xa bờ thì thủy sản gần bờ đang có nguy cơ cạn kiệt thì lại được quy định nhiều trong dự thảo luật còn thủy sản xa bờ có nguồn lợi phong phú hơn thì lại được quy định ít trong dự thảo luật. Nếu phân theo nguồn nước, thủy sản nước mặn, ngọt, lợ thì thủy sản nước ngọt được quy định ít trong dự thảo mặc dù diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt chiếm tới gần 50% diện tích nuôi trồng thủy sản nước ta. Vì vậy, theo tính chất, mức độ quan trọng, cơ cấu của Luật Thủy sản thì nội dung cần phải quy định nhiều nhưng trong dự thảo luật quy định ít và ngược lại. Qua đây, tôi thấy bất hợp lý trong thiết kế dự thảo luật, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại kết cấu của dự thảo luật cho phù hợp”.  

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật thủy sản (sửa đổi). Ảnh:  Cổng TTĐT Quốc hội. 
Phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật thủy sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Các ý kiến của đại biểu góp ý đầy đủ, sâu sắc. Những sự đóng góp tại chỗ là các chất liệu quý để ban soạn thảo và các cơ quan liên quan hoàn thiện Bộ luật này.

Việc hình thành quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có nhiều ý kiến ủng hộ, không ủng hộ. Đất nước ta có nguồn lợi sinh học đa dạng với hàng nghìn loại thủy hải sản từ miền núi đến hải đảo nhưng bị cạn kiệt. Vì vậy, theo Bộ trưởng, cần có chế tài để bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà quỹ này là một chế tài .

“Về việc thành lập lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh, đến giờ phút này, chúng ta đã có 110 nghìn tàu thuyền đánh cá với tổng công suất 16 triệu mã lực, đủ khả năng đánh bắt 3,5 triệu tấn thủy sản mỗi năm tới tổng giá trị 3,5 tỷ USD. Chuỗi giá trị còn tăng hơn nữa khi sắp xếp lại, tổ chức lại, kiểm soát lại ngành thủy sản”, Bộ trưởng cho biết.

KHÁNH HUYỀN