Tiếp nối thành công của những sự kiện Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng trước đây với chủ đề nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, chủ đề Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong bối cảnh các biến số vĩ mô, đặc biệt là diễn biến kinh tế - địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng đến chính sách ngày càng nhiều hơn và khó đoán định hơn.

leftcenterrightdel

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu về chính sách tiền tệ tại diễn đàn. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng 2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu. Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu. Nhiệm vụ đặt ra vô cùng thách thức nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để chung tay, góp sức, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân khắc phục các khó khăn, đạt được các mục tiêu vĩ mô đặt ra. Kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi tích cực, tăng trưởng cao 8,02% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, doanh nghiệp và người dân tiếp tục tin tưởng vào giá trị đồng Việt Nam, mặt bằng lãi suất sau khi tăng trong năm 2022 do áp lực trong và ngoài nước đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm nay, các diễn giả đã tập trung phân tích, làm rõ bức tranh về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bài học rút ra trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 cũng như nhận diện khó khăn, áp lực phải đối mặt trong năm 2023, đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm nắm bắt cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo. 

ANH VIỆT