Hiện nay tỉnh Hậu Giang đã và đang xây dựng nhiều mô hình canh tác theo hướng bền vững, nhằm đạt hiệu quả cao giúp nâng cao chất lượng và giá trị nông sản lúa gạo.

Phát biểu tại Hội Thảo “Thúc đẩy liên kết phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững tỉnh Hậu Giang” diễn ra vào ngày 27-9, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Hậu Giang là một địa phương còn nặng cơ cấu nông nghiệp, lực lượng nông dân đông đảo, địa bàn nông thôn rộng lớn, tỉnh đã xác định các mặt hàng nông sản chủ lực với “5 cây, 5 con” – trong đó có chuỗi giá trị lúa gạo. Để tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, gia tăng thu nhập của nông dân, kết nối với thị trường tiêu thụ là hướng đi đúng, việc làm cần thiết, căn cơ. Nhưng để bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, để hạt gạo Hậu Giang không bị “cầm tù trong ranh giới hành chính tỉnh”, cần đặt nó trong mối liên kết vùng ĐBSCL, trước cơ hội và thách thức hội nhập, cạnh tranh của thị trường lúa gạo cả nước và toàn cầu.

leftcenterrightdel
Đại biểu tham quan mô hình lúa-cá-hóa sinh thái tại Hội Thảo “Thúc đẩy liên kết phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững tỉnh Hậu Giang”. 

Hiện nay tỉnh Hậu Giang có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, hằng năm có khoảng 207.000ha diện tích đất sản xuất lúa, năng suất trung bình khoảng 6,2 triệu tấn/ha, sản lượng đạt 1,2 triệu tấn. Sản xuất lúa ở tỉnh Hậu Giang được thực hiện 3 vụ/năm. Trong năm 2017, ước đạt sản lượng hơn 1,2 triệu tấn. Tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được các mô hình hiệu quả như xây dựng cánh đồng lúa lớn, hợp tác công tư, mô hình VietGAP, các chương trình, dự án sản xuất như mô hình IPM trên cây lúa, sản xuất lúa hữu cơ, các nghiên cứu đồng ruộng. Tạo điều kiện sản xuất chuỗi giá trị lúa gạo, hình thành tổ chức kinh tế hợp tác đại diện cho nhiều nông dân thực hiện hợp đồng kinh tế có tính pháp lý và bền vững; bên cạnh mô hình canh tác bền vững, tỉnh còn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch.

Tiến sĩ Đoàn Minh Tường, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: Phát huy lợi thế so sánh, tiềm năng và trở thành tiền đề nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao hơn nữa theo hướng bền vững cho Hậu Giang, việc làm cần thiết là xây dựng và thúc đẩy một số liên kết như: Liên kết nghiên cứu khoa học, liên kết sản xuất hạt giống, liên kết chuyển giao kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng, liên kết trong chế biến bảo quản sau thu hoạch, liên kết thông tin, liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Theo PGS,TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Đại học Cần Thơ: Để phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững cho Hậu Giang có thể áp dụng vào các hợp tác xã (HTX), phải là HTX nông nghiệp trồng lúa kiểu mới mới giúp bảo đảm tiêu thụ và phát triển bền vững. Trong điều kiện hiện tại, hầu hết các HTX trồng lúa ở Hậu Giang đều có quy mô nhỏ, tổ chức quản lý vận hành của HTX còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc xây dựng nâng cao năng lực các HTX trồng lúa sẽ là giải pháp đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để kích thích “ngòi nổ” trong liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo hướng chất lượng cao theo hướng bền vững và thu hút các nhà đầu tư thì tỉnh Hậu Giang cần thúc đẩy liên kết thông qua tổ chức sắp xếp lại sản xuất ngành hàng lúa gạo; thúc đẩy thông qua tổ chức sắp xếp lại công tác thu mua, chế biến lúa gạo; thúc đẩy liên kết thông qua tổ chức sắp xếp lại thị trường tiêu thụ…

Tin, ảnh: HOÀNG NHƯỠNG