Thông tin tại tọa đàm cho thấy, thời gian qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao đời sống người dân. Sản xuất tại một số vùng có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc phát triển hoạt động hỗ trợ thu mua, quảng bá đã góp phần hình thành thị trường cho các sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Những giải pháp này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất, đồng thời góp phần quan trọng vào hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, nhiều thương hiệu đặc sản của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hình thành.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tọa đàm. 

Đã có những doanh nghiệp và người dân địa phương khai thác tốt lợi thế sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như bánh tam giác mạch Hà Giang, mận Bắc Hà (Lào Cai), miến dong Na Rì (Bắc Kạn), bún đỏ Đắk Lắk, cà phê chồn Gia Lai, trà shanam Tà Xùa (Sơn La)…  Nhiều đặc sản đã được mở đường đưa vào hệ thống phân phối có uy tín và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc....

Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, những sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều lợi thế, tiềm năng. Hàng hóa không chỉ đậm đà bản sắc dân tộc mà còn đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững mà thế giới cũng đang hết sức quan tâm.

Để sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiêu thụ mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, các ý kiến kiến nghị Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể vùng trồng để tránh khủng hoảng thừa. Cùng với đó, Nhà nước cần quan tâm đầu tư hỗ trợ công tác logistics, kho bãi để nâng cao chất lượng hàng hóa.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.