Một cặp nhung bằng cả... tấn thóc
Mỗi năm, ngoài bốn mùa của đất trời, người Hương Sơn còn có một mùa được gọi là “mùa cắt lộc”. Khi tiết trời lập xuân, cây chồi nảy lộc, nắng xuân ấm áp cũng là lúc con hươu sao-sản vật của quê hương vào mùa cắt lộc.
Nhà nào có hươu đến độ cắt lộc phải báo với người làng trước dăm ba ngày để chuẩn bị. Con hươu trông nhỏ nhắn nhưng khỏe, nhanh nhẹn, phải 6-7 người mới có thể giữ và cắt lộc. Sau khi cắt lộc xong, mọi người cùng nhau uống chén rượu huyết hươu với lạc rang nóng hổi cùng bát nước chè xanh đậm đà. Nói như lời ông Trần Bình Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, mùa cắt lộc được xem như mùa hội, là nét văn hóa riêng của người dân nơi đây.
Khi chúng tôi đến, anh Nguyễn Đông (xã Sơn Thủy) cùng người làng đang cắt lộc nhung hươu. Hiện gia đình anh có 3 con hươu cho lộc và mỗi con ước đạt khoảng 0,7-1kg nhung, riêng con hươu cắt lộc chiều nay cho 0,9kg lộc nhung. Chia sẻ với chúng tôi, anh Đông cho biết: “Một lạng nhung đầu xuân có giá khoảng 1 triệu đồng, mỗi cặp nhung 0,5-0,7kg sẽ có giá 5-7 triệu đồng. Chưa kể, nhà nào có hươu cho lộc vào mùa trái, tức tháng 7, 8 thì mỗi ki-lô-gam nhung có giá tầm 15 triệu đồng. Với người nông dân, một cặp nhung đong được cả tấn thóc, bằng cả năm vất vả ngoài đồng”.
Một con hươu đã đến thời điểm cắt lộc
Được biết đến là người nuôi hươu “mát tay” nhất làng, anh Nguyễn Yên Tuyền (xã Sơn Phúc) thu về hơn 150 triệu đồng từ lộc nhung mỗi năm. Nhờ lộc nhung mà gia đình anh thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang, nuôi các con tốt nghiệp đại học. Nói về đàn hươu của gia đình, anh Tuyền cho biết: “Hiện gia đình nuôi 12 con, mỗi năm thu gần 10kg lộc nhung. Trong đó, có con hươu cho 3 đợt lộc trong một năm và không ít lần đạt 1-1,2kg nhung. Có thể nói, nuôi con hươu sao là nuôi con ăn cỏ cho tiền”.
Nói đến gia đình có truyền thống nuôi hươu sao ở huyện Hương Sơn phải kể tới chị Nguyễn Thị Hương (xã Sơn Lâm), anh Bạch Linh (xã Sơn Kim) với tổng đàn hơn 60 con. Đây là 2 trong 9 mô hình nuôi từ 50-100 con hươu của huyện, mang lại thu nhập ổn định 200-300 triệu đồng/năm. Trước đây, đàn hươu của chị Hương chỉ có 5-7 con, về sau chị đã mạnh dạn vay vốn, từng bước phát triển số lượng hươu. Hiện nay, gia đình chị là một trong những địa chỉ cung cấp lộc nhung uy tín, chất lượng trên địa bàn huyện.
Con nuôi chủ lực
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, ông Lê Quang Hồ cho biết: “Trước đây, một con hươu sao ở Hương Sơn có giá 60-70 triệu đồng nên chỉ nhà khá giả mới có điều kiện nuôi. Đến nay, hươu sao là con vật nuôi phổ biến và đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Năm 2015, tổng đàn hươu của huyện đạt 38.000 con, tốc độ tăng trưởng tổng đàn bình quân 11,62%/năm, mỗi năm cung cấp 12,5 tấn nhung ra thị trường, thu về 143 tỷ đồng. Trong đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Hương Sơn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới xác định rõ, nhung hươu là sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực”.
Hiện nay, một số xã trên địa bàn huyện Hương Sơn nuôi hươu nhiều như: Sơn Lâm, Sơn Giang, Sơn Quang, Sơn Trung. Cụ thể, đàn hươu xã Sơn Ninh có gần 2.000 con, Sơn Quang có 2.500 con, Sơn Giang có 3.000 con… Trong đó, riêng xã Sơn Giang, Sơn Quang có hơn 2/3 số hộ dân nuôi hươu. So với các vật nuôi khác, người dân nuôi hươu sao lấy nhung lãi nhiều, rủi ro ít.
Huyện Hương Sơn có gần 80% diện tích là đồi núi, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú là điều kiện thuận lợi để phát triển và nhân rộng đàn hươu. Trước đây, người dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, mỗi gia đình chỉ nuôi 1-2 con nên chưa đem lại hiệu quả kinh tế thực sự. Hiện nay, huyện Hương Sơn đang có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi nhằm nâng tổng đàn hươu lên 67.000 con vào năm 2020. Theo đó, mỗi cơ sở chăn nuôi mới trên 20 con hươu sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng và 150 triệu đồng mua giống, xây dựng chuồng trại đối với mô hình trên 100 con.
Mặc dù là vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện nhưng sản phẩm nhung hươu Hương Sơn mới chủ yếu được sử dụng dưới dạng thô như ngâm với rượu, mật ong, tán nhỏ nấu cháo... Ông Trần Bình Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Huyện Hương Sơn đang xúc tiến thành lập Trung tâm giống hươu chất lượng cao tại xã Sơn Tây và nhà máy chế biến nhung hươu, hình thành và mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ dân. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nhung hươu và hươu giống Hương Sơn nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Bài và ảnh: PHAN HUYỀN