Hội thảo với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các luật sư và chuyên gia kinh tế đầu ngành và các công ty tài chính tiêu dùng chính thống. Hội thảo là dịp các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và đại diện các tổ chức tài chính tiêu dùng cùng thảo luận để tìm ra giải pháp hỗ trợ thị trường vay tiêu dùng tại Việt Nam và tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận các kênh cho vay chính thống.
Trong nhiều năm qua, việc cho vay tiêu dùng qua các kênh chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)... đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn chi dùng cá nhân, góp phần tránh cho người dân phải tìm đến tín dụng đen. Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng. Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp... ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, đến ngày 31-8-2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt khoảng 2.671.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,35% so với cuối năm 2022, nợ xấu chiếm tỷ lệ trên 4%. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là 135.945 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Đại diện Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) chia sẻ, thời gian qua, các công ty tài chính đã có thay đổi rất lớn để điều tiết lãi suất phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Điển hình, năm 2022 và 2023, FE Credit đã đưa gói tín dụng đến từng công ty cho công nhân với mức lãi suất thấp, thậm chí còn cạnh tranh và thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Trong quá trình trao đổi trực tiếp tại hội thảo, các diễn giả cũng thông tin thêm về các gói hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay an toàn; các dấu hiệu để giúp người dân nhận diện các công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, tránh rơi vào “bẫy” tín dụng đen.
Tin, ảnh: ANH VIỆT