Đây là một trong chuỗi hội nghị được Bộ Công Thương tổ chức sau khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao trao cho Đại sứ EU tại Việt Nam công hàm về việc Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vào ngày 18-6 vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức đi vào cuộc sống và với những cam kết sâu rộng, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại trong thời gian qua. Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh. Theo đó, với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0% ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế...; đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các cơ hội này, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị. Về phía Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng đối với các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị. 

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho hay, tương tự như các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện trước đây, Bộ Tài chính cũng chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch với nội dung do Bộ Tài chính phụ trách. Về cơ bản, Bộ Tài chính thống nhất với Kế hoạch thực hiện của Chính phủ về mục tiêu và xác định nhiệm vụ chủ yếu về tuyên truyền, phổ biến thông tin, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.

Theo kế hoạch hành động thì nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định và thông tin thị trường EU để các đối tượng là doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước hiểu rõ về các cam kết để thực thi đúng và có hiệu quả. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế được coi là công tác trọng tâm để thời điểm Hiệp định đi vào thực thi cũng kịp thời với việc hoàn thiện khung khổ pháp luật. Đối với nội dung này, Bộ Tài chính đã có những bước chuẩn bị và rà soát ngay từ khi Hiệp định được ký kết vào năm 2019.

THẢO NGUYỄN