Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại vì lợi ích và gắn kết nhân dân hai nước

Chiều 6-4, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Phó thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko. Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy của các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình hữu nghị, vì hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới; Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko. Ảnh: DƯƠNG GIANG 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp trên tinh thần Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân Nga dành cho nhân dân Việt Nam trong lúc khó khăn; quan tâm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa – du lịch, thể thao… vì lợi ích của cả hai bên và gắn kết nhân dân hai nước.

Hai bên đánh giá cao những kết quả đạt được trong hợp tác song phương thời gian qua với việc quan hệ chính trị được duy trì, hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống tiếp tục được thúc đẩy; khẳng định Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga là cơ hội thuận lợi để hai bên trao đổi, thống nhất các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, cũng như tạo ra những động lực mới nhằm triển khai hiệu quả các dự án hợp tác trong thời gian tới.

Tại buổi tiếp, Phó thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko khẳng định, Chính phủ Liên bang Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của mình tại khu vực; chia sẻ quan điểm của Việt Nam về việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, bảo đảm lợi ích của cả hai bên; bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục duy trì tiếp xúc, trao đổi nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và đề xuất các biện pháp triển khai hợp tác song phương.

leftcenterrightdel
 Phó thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko chia sẻ bên lề Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân bên lề Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng”, Phó thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko cho biết: “Tôi thấy rằng trong năm 2023, hai nước có thể thiết lập các mối quan hệ kinh tế trong lĩnh vực chuyển đổi số và trong các lĩnh vực khoa học. Chúng ta đã ký kết thỏa thuận về vấn đề trí tuệ nhân tạo giữa Trường Đại học Hà Nội (Việt Nam) và Đại học Tổng hợp Viễn Đông (Nga) và Công ty IZBERG - một trong những công ty hàng đầu trên thế giới về trí tuệ nhân tạo.

Chúng tôi đã cùng nhau tính đến tiềm năng rất lớn của các chuyên gia Việt Nam có trình độ cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Điều này có thể nhanh chóng đem lại sự phát triển cho nước Nga bởi vì ngày nay trí tuệ nhân tạo (AI) đang được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực.

Ở Việt Nam, hiện hay hơn 80% các dịch vụ công triển khai thông qua điện thoại thông minh và chắc chắn phải có sự hỗ trợ của AI, với các tập dữ liệu lớn lại càng cần có AI. Lĩnh vực này có thể nhanh chóng, ngay lập tức đem lại hiệu quả cho sự hợp tác giữa hai nước chúng ta”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, trong thời gian tới, doanh nghiệp hai nước cần khai thác hiệu quả hơn nữa tính bổ trợ của hai nền kinh tế. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất... 

Trong khi đó, Liên bang Nga là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, có tiềm lực mạnh về nghiên cứu khoa học - công nghệ, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Do đó, doanh nghiệp hai nước cần chủ động kết nối, trao đổi thông tin, nắm rõ nhu cầu và thị hiếu của thị trường, tham gia tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại của hai nước để kết nối giao thương hiệu quả, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và đầu tư cụ thể.

Tập đoàn Almaz Antey mong muốn hợp tác tại thị trường Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Phó thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko tại Việt Nam, đại diện của Cơ quan nghiên cứu và sản xuất Almaz thuộc Tập đoàn Almaz Antey của Nga đã làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Tại buổi làm việc, hai doanh nghiệp đã tặng quà và giới thiệu các sản phẩm công nghệ tiên tiến của nhau, từ đó cho thấy tiềm năng hợp tác giữa hai doanh nghiệp. Đại diện ACV thể hiện sự quý trọng về tình hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Nhiều lãnh đạo của ACV cũng từng học tập và làm việc tại Nga. Phía ACV mong muốn Almaz trong thời gian sớm nhất có thể mang các sản phẩm công nghệ hiện đại của Almaz đến Việt Nam để trình diễn.

leftcenterrightdel
 Đại diện của Cơ quan nghiên cứu và sản xuất Almaz thuộc Tập đoàn Almaz Antey của Nga làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Tập đoàn Almaz Antey là một trong những tập đoàn hàng đầu của Nga và thế giới trong lĩnh vực thiết kế thiết bị radar và các hệ thống điều khiển tự động đa mục đích. Tính đến nay, tập đoàn đã hợp tác và giao dịch với trên 50 quốc gia trên toàn thế giới. Những thiết bị Almaz sản xuất bao gồm: Hệ thống kiểm soát không lưu, các loại radar điều phối hàng không và các thiết bị chống phương tiện bay không người lái (UAV)...

So với các sản phẩm cùng loại trên thế giới, các sản phẩm của Almaz có tính năng vượt trội bởi được nghiên cứu, chế tạo từ các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới và được đầu tư công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Ngoài ra, giá thành sản phẩm của Almaz còn rẻ hơn nhiều lần so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Trước đó, Almaz cũng đã làm việc với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và thảo luận rất nhiều chủ đề. Almaz hy vọng được tham gia vào Dự án sân bay quốc tế Long Thành với hệ thống radar kiểm soát không lưu của Almaz có tên là ATC và cung cấp trang thiết bị cho Trung tâm kiểm soát không lưu tại TP Hồ Chí Minh.

Thời gian gần đây, việc thiếu kiểm soát những thiết bị bay không người lái đã ảnh hưởng lớn đến các chuyến bay dân sự, hoặc những địa điểm hoặc trụ sở quan trọng. Almaz đã phát triển những công nghệ đặc biệt để vô hiệu hóa các thiết bị này và bảo đảm an toàn cho những địa điểm dân sự tụ tập đông người hoặc quan trọng. Các sản phẩm của Almaz đạt tiêu chuẩn EU.

Bên cạnh đó, Almaz sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong cung ứng, trao đổi máy móc, kinh nghiệm sử dụng các thiết bị dân sự như tổ hợp giám sát, đo đạc thời tiết (lượng mưa, sức gió, bão…); thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp (phun thuốc trừ sâu, giám sát dịch hại…), máy thu hoạch lúa, rau quả để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, giảm thiểu các tổn thất sau thu hoạch.

Theo các chuyên gia, đây cũng là những lĩnh vực hiện được xem là có nhu cầu lớn ở Việt Nam và việc thúc đẩy các lĩnh vực này góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra hiệu quả.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, nhiều doanh nghiệp của Nga như: Tập đoàn Phát triển Vùng Ulyanovsk5, Tập đoàn R-Pharm, Công ty điều hành RUSAL, Tập đoàn Cifra… cũng đã trao đổi và tìm kiếm hợp tác thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bài và ảnh: LA DUY