Bài toán nguồn nhân lực còn vướng mắc ở đâu? Giải pháp nào cần triển khai trước mắt và trong dài hạn để xây dựng được lực lượng lao động có tay nghề, chất lượng cao cho các ngành công nghiệp hỗ trợ?

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự tọa đàm. 

Chia sẻ tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Cao Văn Bình, Quyền giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nêu thực tế, hiện nay số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp hỗ trợ hiện rất hạn chế so với nhu cầu của ngành. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với khoảng 54% dân số ở độ tuổi lao động, trong đó lực lượng lao động rất trẻ và dồi dào. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành như cơ khí, chế biến chế tạo, thiết bị linh phụ kiện điện, điện tử..., đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị.

Ở góc độ đào tạo, TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, tồn tại 2 điểm “vênh” về số lượng và chất lượng trong bài toán nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ. Đầu tiên là vênh về số lượng, có thể là sinh viên tốt nghiệp ít nhưng nhu cầu của doanh nghiệp nhiều, dẫn đến doanh nghiệp khó trong việc tuyển dụng lao động, hoặc là chiều ngược lại sinh viên tốt nghiệp nhiều nhưng thời điểm đấy nhu cầu của doanh nghiệp ít, dẫn đến là dư thừa. Thứ nữa là vênh về chất lượng, đó là câu chuyện sinh viên tốt nghiệp có thể chưa có hoặc là chưa đạt một số năng lực, phẩm chất mà doanh nghiệp mong muốn. Do đó, để thu hẹp khoảng cách phải có sự vào cuộc từ cả doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

leftcenterrightdel
 Nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ đang chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của ngành.

Hiện Đại học Công nghiệp Hà Nội đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình xây dựng, vận hành chương trình đào tạo, giúp tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp ở mức cao. “Ngay từ khi thiết kế và xây dựng các chương trình đào tạo, việc quan trọng đầu tiên với nhà trường là lấy ý kiến và khảo sát doanh nghiệp về nhu cầu, về mô tả năng lực của vị trí việc làm, mong muốn của doanh nghiệp. Từ đó xác định được là quy mô tuyển sinh sẽ như thế nào, nội dung chương trình ra sao để đảm bảo người tốt nghiệp có việc làm”- ông Kiều Xuân Thực cho biết.

Để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các chuyên gia cho rằng kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và xã hội là rất quan trọng. Cần xây dựng cơ chế, ưu đãi khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, sớm hóa giải các thách thức về nguồn nhân lực, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.