Giá dầu thế giới

Giá dầu tuần này tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến ở Trung Đông và lo ngại nhu cầu yếu.

Giá dầu bắt đầu tuần với mức tăng nhẹ. Giá dầu gần như đi ngang khi dầu Brent chỉ tăng có 9 cent, còn dầu WTI tăng 30 cent. Sự leo dốc của giá dầu trong phiên được thúc đẩy bởi lo ngại về nguồn cung kéo dài từ căng thẳng ở Trung Đông. Hạn chế mức tăng của giá dầu là dự báo nhu cầu dầu trên thế giới giảm từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế và mức tăng giá sản xuất của Mỹ trong tháng 1 lớn hơn dự kiến, làm gia tăng lo ngại về lạm phát và nâng giá đồng USD.

leftcenterrightdel
Giá dầu tuần này ghi nhận tuần giảm giá. Ảnh minh họa: Reuters 

Lo ngại nhu cầu toàn cầu giảm đã đẩy giá dầu lao dốc hơn 1 USD ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần. Theo nhà phân tích thị trường Tony Sycamore của IG, sự trượt dốc này là bởi “giao dịch yên tĩnh” trong kỳ nghỉ ở Mỹ và lo ngại về nhu cầu bù đắp cho căng thẳng địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông.

Trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu đã đảo chiều, lấy lại gần như những mất mát ở phiên giao dịch trước đó. Sự bật tăng này của giá dầu là do căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và các thương nhân đánh giá các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn.

Tình hình ở Trung Đông “căng như dây đàn” tiếp tục hỗ trợ giá dầu ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Trong phiên này, giá dầu tăng chưa đến 1%, bị hạn chế mức tăng bởi tồn kho dầu của Mỹ tăng. Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 16-2, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng lên 442,9 triệu thùng, thấp hơn so với kỳ vọng tăng 3,9 triệu thùng của các nhà phân tích. Ngược với đà tăng của tồn kho dầu, tồn kho xăng của Mỹ giảm 300.000 thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 4 triệu thùng.

Đến phiên giao dịch thứ 5 của tuần, đà tăng của giá dầu đã chững lại, thay vào đó là sự trượt dốc sâu gần 3% sau khi một nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết việc cắt giảm lãi suất có thể bị trì hoãn ít nhất 2 tháng nữa.

Mặc dù tăng tới 3 phiên, nhưng 2 phiên giảm sâu đã khiến giá dầu tuần này quay đầu giảm. Theo đó, giá dầu Brent giảm khoảng 2%, giá dầu WTI giảm hơn 3%.

Mặc dù giảm trong tuần này nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng trrong những ngày tới, giá dầu có thể tăng trở lại nhờ những dấu hiệu về mối lo ngại về cung và cầu nhiên liệu.

leftcenterrightdel
Theo các nhà phân tích, đà giảm của giá dầu sẽ không kéo dài; giá dầu sẽ sớm lấy lại đà tăng. Ảnh minh họa: Reuters 

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 25-2 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.475 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 23.599 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 20.910 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 20.921 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.929 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 22-2. Theo đó, giá dầu diesel giảm nhiều nhất, 451 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm ít nhất, 300 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 giảm 356 đồng/lít, nhiều hơn so với mức giảm 320 đồng/lít của xăng RON 95-III. Trong lần điều chỉnh này, duy có mặt hàng dầu mazut tăng, 23 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.