Giá xăng dầu thế giới

Tuần qua tiếp tục là một tuần cực kỳ biến động của giá dầu với mức giảm “sâu” và phục hồi nhanh chóng. Sự tăng-giảm liên tục của giá dầu chịu tác động lớn bởi lo ngại gia tăng về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ dầu giảm do dự “trỗi dậy” của Covid-19, và nhất là khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tới 100 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát đang tăng cao tại đất nước cờ hoa.

Giá dầu liên tục giao động trong tuần. Ảnh minh họa: Reuters 

Cả dầu thô Brent và WTI đều chào tuần mới trong sắc đỏ. Tuy nhiên, mức độ lao dốc của giá dầu khá nhẹ, chưa đến 1% khi thị trường cân bằng nhu cầu giảm dự kiến do xét nghiệm Covid-19 ở diện rộng tại trung tâm tài chính Thượng Hải (Trung Quốc) và những lo ngại về nguồn cung thắt chặt.

Cũng gây áp lực lên giá dầu chính là việc đồng bạc xanh tăng giá lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2022 so với rổ tiền tệ khác. Sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ làm giảm nhu cầu đối với dầu bởi giá nhiên liệu này trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Giá dầu tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch kế tiếp. Ngày 12-7, giá dầu thô Brent chính thức bị đẩy xuống dưới mốc 100 USD/thùng, chốt phiên ở mức 99,49 USD/thùng, giảm 7,1%; giá dầu thô WTI của Mỹ còn chịu mức lỗ cao hơn, tới 7,9%, xuống mức 95,84 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất của cả điểm chuẩn trong vòng ba tháng qua.

Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial cho biết, giá dầu đang phải đối mặt với áp lực cực lớn khi tư thế phòng thủ vẫn tiếp diễn trong khi người tiêu dùng vẫn ở trạng thái chán nản cùng với việc Covid-19 tái xuất hiện ở Trung Quốc.

Sau cú trượt dốc “sốc” tới gần 8% nói trên, giá dầu đã quay đầu phục hồi nhẹ với mức tăng khiêm tốn, chưa đến 1%. Sự tăng này không đủ để giá dầu Brent quay trở lại mốc 3 con số.

Trong tuần, giá dầu đã chứng kiến sự biến động không ngừng trong phiên giao dịch ngày 14-7. Sau khi trái chiều đầu phiên, cả Brent và WTI cùng tăng tốc khiến giá dầu Brent nhanh chóng vượt mốc 100 USD/thùng. Nhưng đà tăng này đã nhanh chóng bị kìm lại bởi khả năng Fed tăng lãi suất tới 1% vào cuối tháng, đẩy giá dầu Brent lao dốc hơn 4 USD, trượt xa khỏi mốc 3 con số. Về dần đến cuối phiên giá dầu đã lấy lại được gần như tất cả các khoản lỗ trong ngày nhưng cũng không đủ để cho Brent chạm mốc 100 USD/thùng. Điều này đã giúp Brent lập cú hat-trick giá ở mức 2 con số.  

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn đeo bám giá dầu. Ảnh minh họa: Oilprice 

Dù phục hồi trong khoảng 2 USD vào phiên giao dịch cuối cùng của tuần khi thị trường tiếp nhận thông tin các nhà hoạch định chính sách diều hâu nhất của Fed đã chọn mức tăng “khiêm tốn” 75 điểm cơ bản cho lãi suất áp dụng từ cuối tháng này, cả dầu Brent và WTI đều chịu mức lỗ trong cả tuần với Brent giảm 5,5% và WTI giảm 6,9%. Đây là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của dầu thô Brent và thứ 2 liên tiếp của dầu WTI. Tuy nhiên, giá dầu Brent đã trở lại mốc 3 con số, đạt mức 101,16 USD/thùng; giá dầu WTI chỉ còn 97,59 USD/thùng.

Sang tuần, mối lo cầu giảm, thiếu hụt nguồn cung vẫn sẽ đeo bám giá dầu. Nhưng khả năng chỉ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản của Fed sẽ là “đối trọng” để giá dầu dao động trong mức vừa phải.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17-7 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.675 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.593 đồng/lít; dầu hỏa không quá 26.345 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.712 đồng/kg.

MAI HƯƠNG