Theo Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 7-2 cho thấy, bình quân xăng RON 92 có giá hơn 101 USD/thùng, giá xăng RON 95 ở mức hơn 104 USD/ thùng. Mức này tăng 7% so với kỳ điều chỉnh trước đó.

Theo ghi nhận vào lúc 11 giờ trưa 11-2 trên trang oil price cho thấy, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) ở mức 89,72 USD/thùng, tiến sát mốc 90 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent lại vượt mốc 90 USD/thùng và ở mức 91,16 USD/thùng.

Trong các phiên giao dịch trước đó, giá dầu thô liên tục tăng cao. Giá dầu Brent và giá dầu WTI đã lên mức cao nhất trong gần 8 năm qua.

 Giá xăng được dự báo sẽ tăng chiều nay, 11-2. Ảnh minh họa: Vnexpress

Trong khi đó, vào những ngày Tết, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã treo biển đóng cửa với lý do thiếu nguồn cung, hoặc nếu có giá nhập vào cũng cao ngang với giá bán ra.

Đáng chú ý, thực trạng này diễn ra trong bối cảnh đang là cao điểm mở cửa du lịch, người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có nhu cầy sử dụng xăng dầu cao. Hôm qua, ngày 10-2, Bộ Công Thương đã có đoàn đi kiểm tra tại khu vực này.

Do chịu nhiều áp lực nên giá xăng chiều nay được dự báo sẽ tăng theo giá xăng dầu thế giới và có thể tăng từ 1.100-1.300 đồng/lít. Giá bán đối với mặt hàng dầu cũng sẽ tăng từ 900-1.000 đồng một lít.

 

Nếu đúng như dự báo, giá xăng sẽ có lần tăng thứ 3 liên tiếp trong năm 2022. Hiện giá xăng dầu đang được bán ở mức:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 23.595 đồng/lít

- Xăng RON95-III: không cao hơn 24.360 đồng/lít

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 18.903 đồng/lít

- Dầu hỏa: không cao hơn 17.793 đồng/lít

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 16.993 đồng/kg. 

 

Bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân 

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 10-2-2022 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thông báo nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đặc biệt quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, phải được quản lý, điều tiết một cách khoa học, chặt chẽ.

Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, sát sao hơn trong chỉ đạo điều hành để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Chính phủ giao Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Cùng đó là thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay đối với các đơn vị liên quan đến cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian qua để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác nếu có trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết, sát với thực tiễn; cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước để bảo đảm chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát các quy định về thuế, phí, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu...

 

HẰNG PHƯƠNG