Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cùng với khu vực dịch vụ tăng, riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm.

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52% - đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% - làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79% - đóng góp 95,91% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1 năm 2023: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%.

(Trong khi đó, cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).

leftcenterrightdel
 Về cơ cấu nền kinh tế quý 1 năm 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Ngoài ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước...

Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2023 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng trong khi các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Giá năng lượng thế giới tăng cao; chiến sự Nga - Ukraine kéo dài…

Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 nhưng cùng thống nhất về dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022 từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm.

"Trong nước, kinh tế - xã hội quý I năm 2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả", theo đánh giá của Tổng cục Thống kê.

Đáng chú ý, trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15-3-2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. Hoạt động vận tải duy trì đà tăng trưởng tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa.

MINH AN