leftcenterrightdel
Đại sứ các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kirgizia tham dự buổi họp báo công bố FTA giữa EAEU và Việt Nam chính thức có hiệu lực. 

FTA giữa EAEU và Việt Nam được hai bên khởi động từ tháng 3-2013. Qua hai năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều cuộc gặp gỡ giữa các kỳ họp, các nhóm công tác chuyên ngành, ngày 29-5-2015, Thủ tướng chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Kazakhstan.

Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ áp dụng 0% thuế hải quan cho các nhà cung cấp từ EAEU đối với 59% các hàng hóa. Sau giai đoạn chuyển tiếp, hầu như toàn bộ sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp xuất khẩu đến Việt Nam từ các nước EAEU sẽ được miễn thuế. Giai đoạn này sẽ không kéo dài quá 10 năm.

Như vậy, kết quả của việc khởi động cơ chế này là Việt Nam sẽ có được quyền tiếp cận có tính ưu đãi đối với một thị trường chung rộng lớn và đầy triển vọng của năm nước (Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kirgizia), với tổng GDP là gần 2,2 nghìn tỷ USD, bao gồm 183 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, nhóm “G5” Á-Âu có cơ hội hưởng ưu đãi xúc tiến các sản phẩm của mình vào Việt Nam, nơi có hơn 90 triệu người đang sinh sống.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov nhấn mạnh, chưa từng có hiệp định tương tự được ký kết giữa EAEU và một quốc gia nước ngoài. “Đây là một minh chứng chói sáng có tính chất tin cậy chặt chẽ trong sự phối hợp hành động giữa chúng tôi và các bạn Việt Nam, trải qua những thử thách của thời gian và vô vàn gian truân sóng gió”, Đại sứ Nga khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan Beketzhan Zhumakhanov cho rằng, Hiệp định có hiệu lực sẽ mở ra một giai đoạn mới trong phát triển quan hệ thương mại song phương, góp phần tạo thêm động lực để tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.

Nhấn mạnh những ưu điểm của Hiệp định, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Armenia Vardanyan R. G. khẳng định, sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực pháp lý, các bên cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc thực hiện thành công của bản Hiệp định. “Điều đó có nghĩa là thâm nhập vào bản chất của các cơ chế nội bộ, nguyên tắc hoạt động và đáp ứng kịp thời với những ưu tiên quan trọng như - giảm tệ quan liêu, số lượng giấy phép, và các văn bản khác”, nữ Đại sứ nhấn mạnh.

Tin, ảnh: PHƯƠNG LINH