Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực cho thấy tầm quan trọng của thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm và doanh nghiệp không chỉ đối với thị trường xuất khẩu (tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu) mà còn ngay tại thị trường nội địa. Tại tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các chuyên gia đã cùng đối thoại mở về vị thế và cách nâng tầm thương hiệu Việt trong kỷ nguyên nhiều thách thức, nhằm giúp các sản phẩm Việt Nam vươn cao, vươn xa trên thị trường thế giới.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kỳ mới, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, chúng ta cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm.
“Chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu vận dụng hiệu quả, thương hiệu quốc gia sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa”, ông Vũ Bá Phú nói.
 |
Quang cảnh tọa đàm. |
Theo ông Vũ Bá Phú, từ năm 2003, Chính phủ đã ký chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam. Từ đó đến nay, chương trình đã hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Điều rất đáng mừng là trước đây chúng ta không hề có doanh nghiệp, sản phẩm nào lọt vào danh sách 500 thương hiệu của thế giới, nhưng hiện nay chúng ta đã có khá nhiều sản phẩm, thương hiệu mang tầm quốc gia và khu vực.
“Sứ mệnh của các thương hiệu quốc gia là đi ra nước ngoài để quảng bá thương hiệu Việt Nam và chúng ta cần phải chú trọng việc xây dựng và định vị thương hiệu Việt trong kế hoạch 5-10 năm tới”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin, ở nước ta, định vị thương hiệu quốc gia đang được xây dựng theo hướng thông qua thương hiệu của sản phẩm. Theo đó, thông qua các sản phẩm mạnh thì chúng ta sẽ có các sản phẩm mạnh; từ các sản phẩm mạnh, từ các thương hiệu mạnh đó sẽ quảng bá rộng rãi thương hiệu quốc gia. Tuy vậy, đa số hiện nay ở nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận thức cũng như ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu còn chưa rõ ràng. Do vậy, Chương trình Thương hiệu quốc gia đang hướng đến các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia là các sản phẩm trước hết là sản xuất tại Việt Nam và có tỷ lệ vốn sở hữu hơn 51%.
Theo báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới, với 29% lên đến 319 tỷ USD. Thứ hạng cũng tăng 9 bậc (từ 42 lên 33) so với năm 2019.
Đây là một dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến triển vọng GDP, lạm phát và bất ổn kinh tế của tất cả các nước trên thế giới. Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia nói riêng cũng như thương hiệu sản phẩm nói chung để đẩy mạnh hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia đã sớm có "tên tuổi" trên thị trường quốc tế.
Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp và khai thác rất mạnh mẽ các giá trị này như Đức, Nhật, Hàn Quốc... Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua 17 năm triển khai Chương trình Thương hiệu Quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần chinh phục.
|
Tin, ảnh: PHƯƠNG HẰNG