Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” do Báo Đầu tư và NovaGroup phối hợp tổ chức ngày 15-10.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặc điểm nổi bật của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) thời gian qua tại Việt Nam là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội, có thời gian chúng ta từng lo nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt thì nay không còn nghi ngại. Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18%, giai đoạn 2019 - 2020 chiếm 30% cho thấy trỗi dậy mạnh mẽ. Các chủ thể tham gia vào M&A từ năm 2019 đến quý I-2021 thì 49% là doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, dịch Covid-19 đã thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng. Các thương vụ M&A theo chiều ngang (doanh nghiệp kinh doanh cùng 1 thị trường) chiếm 45% giao dịch cho thấy cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh. "Quan trọng hơn có 19% các giao dịch theo chiều dọc (hình thành chuỗi) cho thấy chuyển dịch chuỗi và chỉ 30% là giao dịch hỗn hợp", ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.
 |
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo từ đầu cầu Hà Nội. Ảnh: DŨNG MINH |
Về cơ hội M&A, theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây là thời điểm hợp lý, “dọn dẹp” lại các doanh nghiệp sau khi bị “cơn bão” quét qua. Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh hai vấn đề: Thứ nhất, để tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam thì cần thay đổi, tháo gỡ cơ chế chính sách, bởi đây không chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp mà rộng hơn là cơ hội cho đất nước. Thứ hai là nỗ lực từ phía doanh nghiệp, là cách thức thực hiện M&A sao cho hiệu quả nhất. Từ việc phân tích xu hướng, có thể nhận diện cơ hội mới mà các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thay đổi doanh nghiệp, không chỉ trông chờ vào các đối tác quốc tế. Đẩy mạnh quá trình M&A cần hướng tới kéo doanh nghiệp yếu đứng dậy, kéo nền kinh tế đứng lên sau đại dịch.
Theo ý kiến chuyên gia tại hội thảo, dù giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam trỗi dậy nhưng vẫn chỉ đóng góp 30% trong số lượng người mua của các thương vụ M&A, 70% vẫn là nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường này. Trong tương lai, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò chính trên thị trường M&A và có sự quan tâm lớn tới doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt. Trong đó, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan rất quan tâm tới thị trường M&A Việt Nam. Về ngành nghề, bên cạnh bất động sản được quan tâm còn có thị trường tài chính, ngân hàng, giáo dục.
MẠNH HƯNG