Theo đó, thành lập từ năm 2000, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam có nhiệm vụ chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ; giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Sau thời gian thành lập và phát triển, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã cùng với cộng đồng doanh nghiệp gỗ và lâm sản đạt được nhiều bước tiến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng đột phá và liên tục. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu gỗ mới chỉ đạt gần 300 triệu USD thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 11 tỷ USD (tăng gấp 50 lần). Số lượng doanh nghiệp chế biến gỗ phát triển không ngừng, năm 2000 chỉ có hơn 100 doanh nghiệp, năm 2019 đạt hơn 5.000 doanh nghiệp.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam ngày càng phát triển. Ảnh: TTXVN.

Trong quá hình hoạt động, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm, tiếp xúc khách hàng; giới thiệu doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có thành tích xuất sắc vào doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công Thương bình chọn; hợp tác với các cơ quan ban, ngành tổ chức các hội thảo tìm kiếm giải pháp thúc đẩy ngành gỗ và lâm sản phát triển trong tình hình mới; tham gia ý kiến sửa đổi các bộ luật liên quan đến ngành gỗ và lâm sản; tham vấn nhiều chính sách thiết thực, hỗ trợ tích cực giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, hoạt động của hiệp hội cũng còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực, kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại…

Tại nhiệm kỳ mới, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam xác định tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gỗ và lâm sản đẩy mạnh xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài; tập huấn cho các doanh nghiệp về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam; tham gia xây dựng biểu thuế xuất nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, CPTPP…

BĂNG CHÂU