Theo số liệu tại hội thảo cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Đắk Lắk có 85 hợp tác xã đăng ký thành lập mới. Đến nay, toàn tỉnh có 612 hợp tác xã và 3 Liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã cơ bản được phục hồi và có những chuyển biến tích cực, các mục tiêu về phát triển hợp tác xã trong năm 2023 tăng hơn năm trước; số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vượt 4% so với kế hoạch, số hợp tác xã liên kết doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đạt 88% kế hoạch.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng sáng tạo khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

 Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu chỉ đạo.

Tại hội thảo, đại diện của các hợp tác xã trao đổi nhu cầu của các đơn vị; cung ứng vật tư đầu vào, công nghệ và tiêu thụ sản phẩm giới thiệu các sản phẩm có thể kết nối. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Hợp tác xã 2023 ra đời có nhiều chính sách thuận lợi cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển đặc biệt là một số chính sách mới trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. 

Đối với tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian tới cần tập trung quy hoạch, xây dựng nhiều khu công nghệ cao, logistics, các vùng chuyên canh cây nông nghiệp giá trị cao; tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm sản.

Do vậy, các hợp tác xã sẽ có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ xát và nâng cao năng lực, tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới; có cơ hội thu hút được đầu tư, mở rộng sản xuất, hướng tới xuất khẩu đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Liên minh hợp tác xã thành phố Hà Nội và Liên minh hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk ký kết biên bản hợp tác. 

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục quan tâm, định hướng và hỗ trợ các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất; đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường mới; phát triển những sản phẩm nông sản mới, được đầu tư chuyên sâu về công nghệ để tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, các hợp tác xã nên ưu tiên phát triển thị trường nội địa. Các doanh nghiệp cung ứng và tiêu thụ sản phẩm kết nối bền vững với hợp tác xã để sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhân dịp này, Liên minh hợp tác xã thành phố Hà Nội và Liên minh hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk ký kết biên bản hợp tác.

Tin, ảnh: THANH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.