Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra những bất cập trong công bố thông tin của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán và đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới và nhấn mạnh, báo cáo thường niên tốt nhất phải phản ánh trung thực nhất hiện trạng của công ty tại thời điểm ra báo cáo chứ không chỉ đạt các tiêu chuẩn về đẹp hay tiêu chí nào khác.
 |
Các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi tại buổi tọa đàm. |
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện tại, hệ thống quản lý doanh nghiệp trên thế giới chủ yếu được thực hiện theo bộ thông lệ, còn ở Việt Nam thì đưa vào quy định của pháp luật và tới đây sẽ đưa vào trong luật. Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng cho rằng, tuy khuôn khổ chặt chẽ như vậy nhưng việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. 5 năm qua số doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin giảm khá nhiều, nhưng số vi phạm vẫn còn cao. Năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành gần 400 quyết định xử phạt; trong đó, hơn 50% là vi phạm về công bố thông tin. Ngoài ra, nếu so sánh giữa ASEAN hay ASEAN 6 thì quản trị công ty của Việt Nam ở mức thấp nhất.
Còn ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện quản trị công chứng Australia (CMA Australia) thì cho rằng, hiện nay trên thị trường chứng khoán còn nhiều bất cập, từ việc công bố chất lượng thông tin đến hệ thống chuẩn mực kế toán. Vì vậy, doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn và hạn chế trong việc công bố thông tin tài chính, ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính.
Theo thống kê không chính thức, thị trường chứng khoán Mỹ hằng năm có trung bình 300 trường hợp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu phải trình bày lại báo cáo tài chính. Ở Việt Nam chưa có trường hợp nào như vậy vì rất khó để cơ quan quản lý giám sát được chất lượng công bố.
Đặc biệt, theo ông Phan Lê Thành Long, cáo bạch hay thông tin dự báo là thông tin để nhà đầu tư dựa vào đó đánh giá triển vọng mua cổ phiếu trong tương lai. Tuy nhiên, việc công bố thông tin tương lai để thị trường làm căn cứ đánh giá đều chưa được kiểm chứng mà chỉ dựa vào "thái độ tình nguyện" của doanh nghiệp; đồng thời tuy Việt Nam có đủ hành lang pháp lý song hiện vẫn chưa có quy định khuyến khích doanh nghiệp minh bạch trong vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh, chuyên gia về Quản trị công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thì nhấn mạnh, chất lượng công bố thông tin là bản chất của vấn đề. Các công ty đưa lên số liệu, báo cáo hấp dẫn, nhưng chất lượng thông tin không phản ánh đúng thực trạng, khiến nhà đầu tư quan ngại. Bên cạnh đó, thông tin phi tài chính cũng rất quan trọng với nhà đầu tư để cho biết công ty đó đang được điều hành như thế nào. Theo thông lệ quốc tế, thành viên HĐQT độc lập có vai trò rất lớn. Rất nhiều công ty đại chúng, niêm yết tại thị trường như Indonesia, Malaysia... quy định ít nhất 50% thành viên độc lập để giám sát về tài chính, hoạt động công ty.
"Những người trong Ban điều hành, cổ đông lớn có thể trực tiếp tham gia hoạt động quản lý công ty và họ là người lập báo cáo tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế những cổ đông nhỏ lẻ bỏ tiền vào công ty, nhưng họ không tham gia vào quá trình quản lý thì giám sát ra sao cũng là vấn đề cần giải quyết", bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh nêu quan điểm.
Tin, ảnh: PHƯƠNG HẰNG