QĐND Online - Sáng 6-11, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu: Qua 20 năm cải cách, số lượng doanh nghiệp nhà nước từ hơn 12.000 doanh nghiệp vào đầu những năm 90 (thế kỷ 20) đã giảm đáng kể xuống còn 5.600 doanh nghiệp vào năm 2001. Đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (11 ngành, lĩnh vực). Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 2016 đến nay, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 136 doanh nghiệp, trong đó đã tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn: Tập đoàn Cao su Việt Nam; các Tổng công ty: Phát điện 3, Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn... và đã trở thành điểm sáng khi số lượng cổ phiếu IPO đều được bán hết, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ năm 2016 đến nay đã có các thương vụ lớn: Thoái vốn tại Tổng công ty Bia-Rượu-Giải khát Sài Gòn, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk)... đã thu về gần 160.000 tỷ đồng.
 |
Quang cảnh diễn đàn. |
Tuy nhiên, mặc dù được giao quản lý khối tài sản của nhà nước lớn nhưng tình trạng một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, chưa tương xứng với nguồn lực của nhà nước đầu tư. Thậm chí một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn khiến dư luận bức xúc. Kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn của nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm.
Do đó, trong thời gian tới, cổ phần hóa, thoái vốn vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa các tập đoàn lớn: Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, các tổng công ty...
Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM