Thế nhưng, bài toán cân đối huy động các nguồn điện, phù hợp với thực tiễn và Chiến lược năng lượng quốc gia lại đang cho thấy dấu hiệu mất cân đối, không chỉ tác động đến toàn bộ kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Bấp bênh giá thành mua điện
Trong các tập đoàn kinh tế, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là tập đoàn có vai trò và vị trí khá đặc biệt. Theo đó, sứ mạng của EVN không phải là tìm kiếm lợi nhuận mà là thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, để đưa ra giá bán điện, EVN bắt buộc phải cân đối toàn bộ các nguồn mua điện trên cả nước, sau đó lấy giá điện trung bình cộng với phí truyền tải điện, chi phí lương thưởng cho cán bộ công nhân viên vận hành hệ thống điện quốc gia… rồi đưa ra giá bán điện cho người tiêu dùng, doanh nghiệp. Chính vì vậy, những chính sách, chiến lược phát triển của EVN, cho đến việc tăng, giảm, miễn phí điện đều phải tiến hành cân đối rất nhiều mặt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm 2020 – 2021, khi Việt Nam đang phải nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid, những bất cập về huy động năng lượng cho phát điện đang xảy ra, không theo “kịch bản” đúng.
 |
|
 |
Việt Nam đang định hướng giảm dần nhiệt điện than nhằm bảo vệ môi trường sống. |
Có thể thấy rằng tất cả các dạng năng lượng tái tạo hiện nay đều có giá cao hơn gần gấp đôi so với giá nhiệt điện khí. Trong khi đó, giá điện thương phẩm bình quân (Chính phủ quy định) không thay đổi từ ngày 20-3-2019 là 1.864 đồng/kwh. Thực trạng nêu trên đã đẩy giá mua điện vào tình thế “bấp bênh” khi có thể vượt giá bán bất cứ lúc nào, hoặc Chính phủ lại phải xem xét “tăng giá điện” một cách bất khả kháng để đảm bảo lợi ích cho các bên.
Nguy cơ mất an ninh năng lượng
Hơn 2 năm trước đây, khi các dự án nguồn điện mặt trời liên tục hoàn thành nhưng chưa kịp đấu nối vào hệ thống điện, đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức với mục đích nhanh chóng đưa các nguồn điện này vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp ngành năng lượng quốc gia… Nhưng có một điều chưa ai nhắc đến rằng, nếu huy động toàn bộ nguồn điện mặt trời sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với các nguồn điện khác sẽ ra sao? Trong bài viết này, tạm thời không bàn đến các nhà máy điện than vì nguyên nhân môi trường nhưng nguồn điện khí – một trong những nguồn năng lượng sạch, được đầu tư quy mô theo đúng Chiến lược phát triển năng lượng, tham gia bảo vệ môi trường, đang gặp phải “bất công” trong vấn đề huy động thì không thể không nói đến.
 |
Thủy điện chỉ phát huy hiệu quả trong mùa mưa. |
Trước tiên, việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ kéo theo việc giảm khai thác khí ở các mỏ dầu khí ngoài khơi. Điều này sẽ gây thiệt hại do giảm nguồn thu của nhà nước trong hoạt động khai thác dầu khí thượng nguồn bao gồm thuế tài nguyên, phần chia lãi nước chủ nhà, phần chia lãi nhà thầu trong nước, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thuế xuất khẩu sản phẩm dầu khí, thuế giá trị gia tăng. Nguồn thu của nhà nước cũng sẽ bị sụt giảm tương ứng đối với hoạt động vận chuyển khí từ ngoài biển về bờ.
Ngoài ra, để có thể đạt được các thỏa thuận mua khí với phía chủ mỏ và các nhà đầu tư khai thác nguồn khí, Việt Nam phải chấp nhận nghĩa vụ bao tiêu trong các hợp đồng mua khí từ thượng nguồn và hạ nguồn nhằm có được các cam kết cấp khí ổn định cho vận hành các nhà máy điện. Trong tình hình huy động điện khí thấp, các nhà máy điện không thể thực hiện nghĩa vụ bao tiêu khí đối với chủ các mỏ khí, phát sinh nghĩa vụ khí trả trước của bên mua khí với các chủ mỏ khí với số tiền không nhỏ.
 |
Năng lượng điện gió. |
Ngân sách đóng góp từ nguồn nhiệt điện khí cũng giảm sâu cùng với đà giảm huy động khí cho phát điện. Thống kê cho biết, khí khô làm nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào sản xuất khoảng 46% (năm 2010), 29% (năm 2015), 15% (năm 2020) và khoảng 11% trong 8 tháng đầu năm 2021 sản lượng điện quốc gia. Với đà giảm sâu này, dự kiến, tổng mức đóng góp ngân sách nhà nước năm 2021 của mảng khí điện sẽ giảm đến 639 tỷ đồng và năm 2022 sẽ là 1.566 tỷ đồng so với năm 2020.
Hơn thế nữa, với tình hình giảm huy động khí cho phát điện sẽ tác động tiêu cực, không khuyến khích được việc đầu tư đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí trong nước nói chung và các đặc biệt tại vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm nói riêng trong tổng thể công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc nói chung. Việc không tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của quốc gia, cũng như không thu hút đầu tư phát triển các dự án nhập khẩu LNG để đảm bảo nguồn năng lượng sơ cấp lâu dài cho hệ thống điện quốc gia có thể dẫn đến nguy cơ mất an ninh năng lượng.
 |
Sử dụng nguồn tài nguyên khí cho phát điện nhằm cung cấp nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường |
Việc cắt giảm huy động năng lượng khí cũng chưa phù hợp với Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đã đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Mặt khác, theo tính toán của các chuyên gia, việc giảm huy động khí cho phát điện trong một năm qua sẽ làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG và khi kinh tế hồi phục, nhu cầu năng lượng gia tăng sẽ tất yếu dẫn đến thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Chưa kể đến khả năng nhập khẩu LNG sẽ bị hạn chế do việc phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG sẽ buộc phải đình trệ, trong khi quá trình này cần tầm nhìn dài hạn, đòi hỏi thời gian đầu tư ít nhất từ 4 đến 5 năm.
Ở đây, cần phải nói thêm rằng, các dự án nhập khẩu LNG đảm bảo khả thi cần phải có sản lượng khí huy động liên tục và ổn định trong thời gian dài (20-30 năm). Theo đó, khi phát triển dự án phải hoạch định đầy đủ các biến động về nguồn cung cấp nhiên liệu và giá nhiên liệu. Khác với các loại hàng hóa khác, LNG là một hàng hóa đặc thù và giá LNG luôn biến động, vì thế hợp đồng mua LNG có những đặc thù riêng và nguồn LNG cấp cho dự án không dễ đảm bảo liên tục và ổn định trong suốt vòng đời dự án. Vì vậy, LNG nhập khẩu cho phát điện cần phải được huy động ổn định để có thể phát triển được các dự án nhập khẩu LNG và đưa LNG vào sử dụng một cách bền vững lâu dài, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ đầu tư chuỗi dự án khí-điện cũng như đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển đất nước.
Có thể thấy rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tránh thiệt hại kinh tế lớn và nhiều chiều, cần đảm bảo công bằng trong việc huy động các nguồn điện. EVN và các Bộ ngành liên quan phải có trách nhiệm, khẩn trương vào cuộc tính toán, đưa ra phương án hợp lý đối với việc huy động các nguồn điện.
BÌNH SƠN