Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì trong vài năm trở lại đây, ĐBSCL đang bị đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Những vấn đề hiện hữu theo kịch bản biến đổi khí hậu đang đặt ra với Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đang gặp phải đó là bờ biển bị xâm thực và mặn hóa ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng... Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây chuyển nước sang lưu vực sông khác, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.

leftcenterrightdel
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị. 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, trong những năm qua, nhiệt độ quan trắc có xu thế tăng ở các trạm trên khu vực ĐBSCL. Mức tăng phổ biến của nhiệt độ trên khu vực vào khoảng 0,25 đến 0,7 độ C trong 50 năm gần đây. Cùng với nhiệt độ tăng, tình trạng BĐKH trên toàn cầu ngày càng tăng rõ nét, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, tuần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan như nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt ngày càng gia tăng. Riêng ĐBSCL, diện tích đất canh tác thường xuyên bị xâm nhập mặn là 676.000ha, chiếm khoảng 40% trong tổng số 1,7 triệu héc-ta đất nông nghiệp. Vào mùa khô, diện tích đất bị tác động của thủy triều gây xâm nhập mặn có thể chiếm đến gần 1 triệu héc-ta. Hiện tượng xói lở đất lên đến 500ha/năm và khó có khả năng phục hồi. Cấu trúc dòng chảy trong năm thay đổi, lũ càng có xu thế giảm và theo dự báo, 45% diện tích ĐBSCL có thể nhiễm mặn vào năm 2030.

Để chủ động đối phó với BĐKH, theo các chuyên gia, cần phải xây dựng vùng chứa nước, xây dựng công trình và phi công trình, thiết lập hệ thống giám sát vùng xói lở, thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với BĐKH. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy hoạch tổng thể lưu vực sông mang tính liên vùng, liên ngành. Từng bước chuyển đổi hợp lý, quản lý chặt chẽ khai thác cát và nguồn nước ngầm; xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước cho từng tiểu vùng của ĐBSCL đồng thời chủ động xây dựng các mô hình kinh tế-sinh kế thích ứng với xâm nhập mặn…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: ĐBSCL trước đây trù phú, vùng trồng lúa, trông cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước. Tuy nhiên trước tác động của biến đổi khí hậu ĐBSCL hôm nay không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân nơi đây như những năm của thế kỷ trước. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững, khắc phục thách thức do biến đổi khí hậu để ĐBSCL phát triển lâu dài và bền vững.

Kết luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) căn cứ vào kết quả tại hội nghị để cập nhật kịch bản BĐKH hoàn thiện các quy hoạch tổng thể, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, trong đó chú trọng phát triển đô thị, công nghiệp hóa, nông nghiệp. Các chương trình, dự án cần tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức để phát triển. Bộ KHĐT, Bộ Tài chính bố trí, rà soát nguồn lực cho các công trình trong kế hoạch đầu tư công, kể cả ngân sách, nguồn ODA, trái phiếu, các nguồn khác cho các công trình cho vùng dự kiến là 22.000 tỷ đồng, chiếm 47% trong 3 vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Các địa phương đưa kịch bản và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trong mỗi tiểu vùng. Chính phủ khuyến khích các tỉnh, thành phố chủ động đưa kịch bản này trong mỗi địa phương và trong mỗi tiểu vùng.

Tin, ảnh: THÚY AN