Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tổng kết các kết quả đầu tiên từ thực thi Hiệp định CPTPP; đánh giá các vấn đề phát sinh trong thực thi Hiệp định. Qua đó, xác định các biện pháp cần thiết nhằm tăng hiệu quả thực thi Hiệp định CPTPP và hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong quá trình này.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thực chất nhất, tiêu chuẩn cao nhất, có mức độ tự do hóa sâu sắc nhất và yêu cầu thể chế phạm vi cao nhất. Khi ký Hiệp định CPTPP, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên được hưởng lợi đáng kể nhất, nhưng Việt Nam cũng là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất trong số các đối tác đã phê chuẩn Hiệp định này. 

Báo cáo về hoạt động xuất nhập khẩu sau 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, xuất khẩu sang các thị trường của Việt Nam đã có sự tăng trưởng. Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Năm 2020, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD. Cũng theo bà Nguyễn Cẩm Trang, để quá trình thực thi Hiệp định CPTPP đạt hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cơ hội ưu đãi, thay đổi tư duy kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh; nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu kỹ thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng; thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. 

Quang cảnh buổi hội thảo. 

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP: có 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Tuy nhiên, cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình. Kết quả này cho thấy các nỗ lực tuyên truyền phổ biến chung về CPTPP đã có hiệu quả ban đầu tích cực nhưng mới trên bề mặt là chủ yếu. Với một FTA khó và phức tạp như CPTPP, cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tin, ảnh: TRẦN YẾN