Hội thảo nhằm cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý I năm 2019; cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2019; đồng thời, kiến nghị một số giải pháp chính sách cho công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2019.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Sau những kết quả kinh tế-xã hội khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019, hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận diện không ít khó khăn, thách thức để hiện thực hóa kỳ vọng ấy, đặt trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng bất định; dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy kinh tế không còn nhiều....
TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và sức chống chịu của nền kinh tế. Diễn biến tăng trưởng kinh tế và lạm phát tiếp tục được theo dõi sát, với không ít động thái, thông điệp điều hành xuyên suốt quý I.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, những điểm nhấn của Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019 là Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%; thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD; mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%. GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017.
Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu. Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo bớt lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” và tiếp cận thông tin minh bạch.
Đáng chú ý, CPI bình quân tăng 2,63%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,83% cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Cùng với đó, tổng giá trị xuất khẩu đạt 58,86%, tăng 5,3%, do cải cách hành chính và hầu hết các thành viên Hiệp định CPTPP đã phê chuẩn đều thực hiện cắt giảm thuế quan hai lần cho Việt Nam; nhập khẩu đạt 57,45 tỷ USD, tăng 8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ 2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 12%....
Về diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2019, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, như rủi ro suy thoái kinh tế thế giới hay căng thẳng thương mại ở khu vực, hàng hóa của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài... Do đó, Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện. Ngay cả với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều.
Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ.
Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh lại thông điệp về tiếp tục ưu tiên chính sách để cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Cụ thể, trong năm 2019, Chính phủ cần tiếp tục cải cách cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách quản lý chuyên ngành. Đồng thời, cần đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công mức độ 4, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp...
Tin, ảnh: PHƯƠNG HẰNG