Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành khẳng định với sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, góp phần hình thành nên bức tranh toàn cảnh với nhiều cơ hội lớn và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm sao có thể chớp lấy thời cơ, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp và các đại biểu khách mời, chuyên gia cũng thảo luận xoay quanh vấn đề: Các doanh nghiệp được gì khi liên kết với nhau; chính sách hỗ trợ, tiêu chí, điều kiện để liên kết giữa các doanh nghiệp; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, chia sẻ về công nghệ, đơn hàng… để tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu.
 |
Chủ tọa điều hành hội thảo. |
Trước sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước như: Tập đoàn Lego, Tập đoàn THACO - Trường Hải đã có những chiến lược mở rộng, đầu tư mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đại diện cho doanh nghiệp “đầu tàu”, ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Tập đoàn THACO) đã trình bày tham luận về mô hình liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để chia sẻ về thị trường, đơn hàng, nguồn nhân lực, công nghệ và quản trị… Qua đó, phối hợp sản xuất, kinh doanh, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
 |
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội thảo. |
Cũng tại phiên thảo luận, các diễn giả cũng dự báo về thị trường sắp tới, việc quy hoạch vùng, khai thác quỹ đất sao cho hiệu quả, chuẩn bị về hạ tầng, nguyên liệu, logistic, khơi thông liên kết để tạo điều kiện cho việc hình thành các cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành trong và giữa các địa phương. Cùng với đó là các chính sách, cải cách hành chính để thu hút đầu tư vào các địa phương, cơ chế phối hợp, thống nhất giữa các địa phương trong vùng tứ giác kinh tế: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương lân cận để liên kết, khai thác hết những tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Riêng tại Bình Dương, hiện đang có gần 2.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày có 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ có 953 doanh nghiệp, cơ khí có 710 doanh nghiệp. Đây là cộng đồng doanh nghiệp cần kết nối, hợp tác thành chuỗi cung ứng to lớn, tạo ra giá trị kinh tế quan trọng cho nền kinh tế nâng tầm phát triển mới.
 |
Toàn cảnh hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định Bình Dương đang tập trung thực hiện Đề án thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu là thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao. Điều đó thể hiện ở việc tỉnh ban hành và áp dụng nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, phát triển các dự án khu công nghiệp theo hướng tập trung vào khoa học-công nghệ, nghiên cứu hình thành khu công nghiệp-đô thị khoa học công nghệ để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động. Tỉnh cũng chú trọng đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm… nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường, hình thành chuỗi cung ứng đa dạng, chặt chẽ.
Tin, ảnh: LONG GIANG