Tại phiên làm việc sáng 27-1, trong khuôn khổ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái đã trình bày tham luận với chủ đề: Phát triển nông nghiệp đa dạng tỉnh Bắc Giang dựa trên điều kiện đặc thù vùng trung du - miền núi.
Theo đồng chí Dương Văn Thái, Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, chúng ta đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2020 đạt trên 41 tỷ USD, đặc biệt, nước ta đã có 9 nhóm mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.
 |
Đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang. |
Nông nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương của Đảng về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; bộ mặt nông thôn Việt Nam có nhiều đổi mới.
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang luôn bám sát định hướng phát triển chung của cả nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tiễn tại địa phương, tập trung phát triển đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; phát triển hài hòa trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường, với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc.
“Nhiệm kỳ 2015-2020, Bắc Giang đã có sự phát triển bứt phá, đạt nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế (tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 13,8%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; quy mô nền kinh tế đạt 5,3 tỷ USD, vươn lên thứ 16 cả nước,…). Đóng góp vào thành tích chung đó có vai trò hết sức quan trọng của ngành nông nghiệp”, đại biểu Dương Văn Thái cho biết.
Có được kết quả đó là do Bắc Giang đã tập trung vào 3 khâu trọng tâm. Đó là quy hoạch lại các vùng sản xuất, gắn với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Đề ra các chủ trương, định hướng, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, áp dụng chỉ dẫn địa lý, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của địa phương.
Với những giải pháp đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của Bắc Giang nhiệm kỳ qua đạt bình quân 2,5%/năm; đặc biệt là năm 2020 dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng 6,7% (cao nhất trong nhiều năm trở lại đây). Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp đem lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho người dân (doanh thu từ quả vải thiều năm 2020 đạt 6.830 tỷ đồng, tăng 2.430 tỷ đồng so với năm 2015; thu nhập từ cây có múi đạt trên 1.400 tỷ đồng/năm, doanh thu từ chăn nuôi đạt hơn 10.000 tỷ đồng/năm).
Từ thực tiễn chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh Bắc Giang đã rút ra 3 bài học kinh nghiệm. Đó là, cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển các vùng sản xuất và định hướng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng sinh thái (có đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau) để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chất lượng.
Hai là, không ngừng đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi từ tư duy sản xuất truyền thống, thủ công, nhỏ lẻ sang phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hướng tới thị trường toàn cầu.
Ba là, lấy việc ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm giải pháp trung tâm, tạo đột phá tăng năng suất, chất lượng. Đồng thời, cần quan tâm làm tốt công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển các chuỗi liên kết giá trị, phát triển thị trường để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, đảm bảo ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông sản.
KHÁNH HÀ (ghi)