1. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, tăng trưởng GDP cao nhất từ năm 2011 đến nay

Sản xuất nông nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Ảnh: Nguyễn Kiểm

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 của nước ta tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó đặc biệt tăng cao trong quý III, đạt 7,46% và quý IV, đạt 7,65%. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm trong giai đoạn 2011-2016. Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng kỷ lục, chỉ số VN Index vượt 950 điểm, cao nhất trong 10 năm gần đây. Cùng với tăng trưởng GDP cao, kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 chỉ tăng 3,53% so với bình quân năm 2016. Toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của đất nước năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

2. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện rất quyết liệt mang lại niềm tin trong nhân dân

Kỳ họp thứ 20 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: MINH HẢI

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các nghị quyết của Đảng có liên quan, năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra và công bố các bản kết luận kiểm tra công tâm, khách quan, nghiêm khắc, được đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Trên cơ sở kết luận và đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện đúng trình tự, thủ tục để xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có sai phạm. Việc xử lý nghiêm minh những cá nhân, tập thể có sai phạm trên tinh thần “không có vùng cấm” góp phần tăng cường niềm tin của đảng viên, nhân dân vào quyết tâm cũng như hiệu quả trong công tác chống tham nhũng nói riêng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung của Đảng ta.

3. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục

Hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Trung Kiểm

Năm 2017, nước ta chứng kiến một dấu mốc mới của nền kinh tế khi kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) ước tính đạt 425 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD và đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 84,7 tỷ USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 126,4 tỷ USD, tăng 23,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 tăng 17,7% so với năm 2016. Như vậy, so với năm 2007, tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đến nay, tổng kim ngạch XNK đã tăng gấp 4 lần.

4. Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh

Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu. Ảnh: Thu Trang

Năm 2017, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước ghi dấu ấn trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, Bộ Công Thương được đánh giá tiên phong trong thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh. Với quyết tâm cao nhất, đến tháng 9-2017, Bộ Công Thương đã cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh; loại bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của bộ, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%. Một loạt bộ, ngành khác như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Y tế... cũng tích cực cắt giảm điều kiện kinh doanh, loại bỏ hàng trăm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa XNK trước khi thông quan.

5. "Cú hích" từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước

Bệnh viện Giao thông Vận tải là một trong những bệnh viện công lập đầu tiên cổ phần hóa. Ảnh: Trường Giang

Ngày 18-12, Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá thành công 343.662.587 cổ phần (53,59% vốn điều lệ) của Tổng công ty CP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) qua Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh với mức giá bình quân được xác định là 320.000 đồng/cổ phiếu. Nhà nước thu về khoảng 109.972 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ bán cổ phần lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm này. Thương vụ Sabeco được coi là “cú hích” lịch sử với tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước. Thương vụ này thể hiện rõ lời hứa với nhà đầu tư rằng, Nhà nước không “ôm” những lĩnh vực tư nhân làm được và Chính phủ “nói là làm”. Thêm vào đó, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018 sẽ góp phần tháo gỡ nhiều "nút thắt" cho quá trình này.

6. Thiên tai gây thiệt hại lớn

Lực lượng quân đội tham gia giúp nhân dân Hà Nội dọn dẹp sau bão số 2. Ảnh: Phúc Thái

Năm 2017 là năm Việt Nam tiếp tục hứng chịu nhiều đợt thiên tai, số cơn bão trong năm đạt mức kỷ lục với con số 16. Trong đó, riêng bão số 12 và mưa lũ đã khiến 123 người chết và mất tích; 3.485 ngôi nhà bị sập đổ; 137.981 nhà tốc mái, hư hỏng; 70.055 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại; 1.348 tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng. Tổng thiệt hại về vật chất do bão, mưa lũ, sạt lở đất năm 2017 ước tính  60.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD). Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân nhiều địa phương trên cả nước.

7. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo tiền đề phát triển nhiều vùng, miền trên cả nước

Với cơ chế, chính sách đặc thù, TP Hồ Chí Minh có cơ hội để tăng tốc phát triển. Ảnh: Xuân Cường

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Với nhiều cơ chế, chính sách mới, nghị quyết sẽ tăng thêm nguồn lực, tạo động lực để thành phố tiếp tục phát triển. Trong đó, TP Hồ Chí Minh được chủ động hơn về nhiều vấn đề, như: Quản lý đất đai, quản lý đầu tư, tài chính-ngân sách Nhà nước, tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, đãi ngộ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt... Cũng tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, áp dụng cho 3 khu vực là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Dự thảo có nhiều quy định mới để tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội của các khu vực này.

8. Ngành du lịch đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế

Du khách quốc tế tham gia các trò chơi dân gian tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Vũ Dung

Năm 2017, du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng khi đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế. Đây là lần đầu tiên mức tăng về khách du lịch quốc tế đạt gần 3 triệu lượt khách/năm. Tăng trưởng dòng khách góp phần đưa doanh thu du lịch năm 2017 lên hơn 510 nghìn tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD. Năm 2017, vị thế của ngành du lịch đã có những bước tiến nổi bật khi Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam vào vị trí 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới trong năm, dựa trên tăng trưởng lượng khách. Năm qua, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam cũng tăng 8 bậc (vị trí 67/136) về năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch.

9. Thêm hai di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Điệu múa Xoan truyền thống được các thế hệ thay nhau tiếp nối, giữ gìn. Ảnh: TTXVN

Trong hai ngày 7 và 8-12, tại Phiên họp Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), UNESCO đã đưa Hát Xoan Phú Thọ và nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và 2 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp được UNESCO công nhận.

10. Bùng phát dịch sốt xuất huyết tại nhiều địa phương trên cả nước

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Thu Hương

Năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng khắp 63 tỉnh, thành phố khiến 163.600 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 138.327 trường hợp nhập viện, 30 trường hợp tử vong. Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ý thức tham gia phòng, chống dịch của mọi người dân thì nỗ lực của ngành y tế là yếu tố quan trọng trong giảm số ca mắc bệnh, không để phát sinh thêm số ca tử vong. 

QĐND