Diễn đàn có chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển-Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, được đồng chủ trì điều hành bởi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo.
 |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: NHẬT BẮC
|
Cụ thể, theo đánh giá của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2020 và giai đoạn 10 năm 2010-2020, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Kinh tế tập thể, hợp tác xã không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, mà còn đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, kinh tế cá thể.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, nhìn chung khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu…
Phó thủ tướng cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thể hiện ở cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, công tác thực hiện chức năng quản lý nhà nước và bản thân các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
 |
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: NHẬT BẮC |
Thời gian tới, để phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, cần xác định kinh tế tập thể là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế tập thể cần phát triển theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách tại Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ở địa phương mình; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, thực tiễn đã chứng minh, trong mỗi giai đoạn của cách mạng, nhất là trong những giai đoạn khó khăn của đất nước, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn có những đóng góp quan trọng.
 |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm các gian hàng trưng bày của các hợp tác xã. Ảnh: NHẬT BẮC |
Số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Ước tính đến ngày 31-12-2020, toàn quốc có 26.112 hợp tác xã, thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,133 triệu người.
Tại diễn đàn, các đại biểu là lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện một số mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong nước và đại diện một số tổ chức hợp tác xã nước ngoài đã phát biểu, cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm tốt để thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển.
CHIẾN THẮNG