Ngay từ khi mới thành lập, Bộ Tài chính do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Bộ trưởng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ Cách mạng lâm thời bãi bỏ hoàn toàn hệ thống sưu cao, thuế nặng của chế độ thực dân, phong kiến, đồng thời phát động những phong trào quan trọng như: “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ vàng”, phát hành “Công phiếu kháng chiến”... thu hút sự tham gia nhiệt thành của đông đảo tầng lớp nhân dân, qua đó đóng góp quan trọng cho ngân khố quốc gia ngay từ những ngày đầu thành lập. Tiếp theo đó là các phong trào: “Hũ gạo kháng chiến”, “Công phiếu kháng chiến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho sự nghiệp Kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước”... đã huy động được nguồn lực to lớn cho sự nghiệp kháng chiến trường kỳ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cùng với đó là hàng vạn cán bộ ngành tài chính đã trực tiếp chiến đấu, hy sinh để vận hành nền tài chính cách mạng, vận chuyển hàng, tiền, vàng chi viện từ Bắc vào Nam trong suốt thời kỳ này.

Người nộp thuế giao dịch tại bộ phận một cửa của Cục Thuế TP Hà Nội. Ảnh: VIỆT ANH 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bước sang giai đoạn 2011-2020, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế thế giới và Việt Nam. Ngành Tài chính đã chủ động ứng phó và tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng hiện đại, tiếp cận các thông lệ quốc tế nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội; phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính-ngân sách nhà nước theo trung hạn; thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập... đáp ứng yêu cầu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa xóa đói, giảm nghèo. Kết quả thực hiện chính sách tài chính quốc gia giai đoạn 2011-2020, quy mô thu ngân sách nhà nước gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân đạt 24,5% GDP. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước được cải thiện, tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Chi ngân sách nhà nước đã góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế bình quân các năm 2015-2019 ở mức 6,76%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020.

Trước ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh tới nền kinh tế trong nước, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp. Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu với Chính phủ thực hiện gia hạn, miễn, giảm thuế, phí và thu ngân sách cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ước tính tổng số tiền khoảng 129.000 tỷ đồng năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay là khoảng 118.000 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; chính sách chi ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng đã được triển khai thực hiện với số tiền đã hỗ trợ của năm 2020 là khoảng 16.800 tỷ đồng.

Với tinh thần phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành tài chính kể từ những ngày đầu tiên khi đất nước độc lập, công tác đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiện toàn tổ chức bộ máy luôn được chú trọng, không ngừng hoàn thiện. Kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ luôn được ngành tài chính quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, công chức phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành tài chính cũng được đẩy mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập quốc tế và thích ứng tốt với những thay đổi từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành tài chính sẽ đổi mới và tăng cường quản lý, điều hành tài chính-ngân sách bám sát thực tiễn, theo kế hoạch trung hạn, gắn với các ưu tiên của nền kinh tế; phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, đầu tư và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường sức chống chịu và an ninh tài chính quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế tài chính-ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các mục tiêu tài chính-ngân sách nhà nước đã đề ra. Tập trung nguồn lực xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, tạo ra đột phá lớn trong phát triển kinh tế.

HẰNG THU - VIỆT ANH