*Anh hùng LLVT nhân dân Lưu Nguyệt Hồng, nguyên Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng:

Công tác thanh tra phải công tâm, minh bạch và quyết liệt

Tôi cũng như nhiều đại biểu rất quan tâm đến hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng thời gian qua và tới đây làm sao để nâng cao hiệu quả công tác này. Và qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, bản thân tôi nhận thấy “tư lệnh ngành” đã nhìn nhận vào thực tế khuyết điểm, hạn chế, chỉ rõ những nguyên nhân. Tôi cũng rất phấn khởi khi hoạt động thanh tra trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực, quan trọng để góp phần đưa những vụ việc tham nhũng ra ánh sáng, xem xét, xử lý một cách rõ ràng, tạo sự yên tâm, tin tưởng của đông đảo cử tri và nhân dân.

Toàn cảnh phiên họp sáng 5-11-2022. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Dù đạt kết quả khả quan, tuy nhiên, tôi cho rằng công tác thanh tra vẫn chưa được thường xuyên và hiệu quả. Cụ thể là vẫn còn trường hợp thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất nhưng không phát hiện được vi phạm mà sau khi có tố cáo phải tiến hành tái thanh tra lại phát hiện có vi phạm. Cũng có những vụ tiêu cực do báo chí phát hiện mà thanh tra không phát hiện. Nhiều vụ lực lượng công an phát hiện, truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa có thanh tra kết luận hoặc kết luận không đến nơi đến chốn.

Bên cạnh đó, trong phần trả lời ý kiến cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, thời gian qua có một số kết luận thanh tra chưa đúng bản chất. Nguyên nhân chủ quan là do ý thức chấp hành kỷ luật của đoàn thanh tra chưa cao; năng lực, trình độ một số cán bộ còn kém; cơ chế, chính sách còn bất cập, bên cạnh đó lãnh đạo của cơ quan thanh tra với đoàn thanh tra chưa quyết liệt; giám sát và thẩm định kết quả thanh tra còn hạn chế. Tôi cho rằng câu trả lời này chưa thực sự thỏa đáng, bởi khi cán bộ được lựa chọn vào đoàn thanh tra thì bản thân phải là người có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực. Đã gọi là thanh tra thì phải công tâm, công bằng, minh bạch và quyết liệt với những sai phạm. Không thể vì một lý do gì mà bỏ qua sai phạm. Có sai phạm nhỏ và dễ dàng bỏ qua thì sẽ có sai phạm lớn hơn.

Vì thế, tôi cho rằng hoạt động thanh tra cần mở rộng về phạm vi và nâng cao chất lượng, đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có các giải pháp căn cơ, toàn diện để tạo niềm tin cho cử tri, nhân dân.

THÚY AN (ghi)

*Cử tri TRẦN KIM YẾN, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước:

Cần giải pháp duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững

Phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiều 5-11 được cử tri chúng tôi rất trông đợi. Có 3 lý do để nói lên điều ấy. Một là đà phục hồi kinh tế “hậu Covid-19” phải nói là rất ngoạn mục. Thời điểm này năm ngoái, không ai nghĩ nền kinh tế của chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng GDP 8,83%. Nhờ có sự phục hồi, tăng trưởng nhanh chóng, mạnh mẽ ấy nên chúng ta có tiềm lực để thực hiện kế hoạch tăng lương cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang; đẩy mạnh chăm lo an sinh xã hội. Thứ hai là, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ. Ở tầm vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. Cộng đồng doanh nghiệp có cơ sở, bệ đỡ để mạnh dạn đầu tư, mở rộng thị trường, tăng cường hội nhập tìm đối tác thương mại. Thứ ba là, phong cách, phương pháp làm việc của người đứng đầu Chính phủ. Có thể thấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính là người rất quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành. Dưới quyền Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện được tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “trên dưới đồng lòng” để tạo thế và lực cho đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế thời kỳ “hậu Covid-19”.

Trong phần Thủ tướng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi rất quan tâm đến các nội dung về quan hệ đối ngoại, giải pháp duy trì sự ổn định, bền vững của đà phục hồi và phát triển kinh tế, quyết tâm xử lý các sai phạm, giải pháp khắc phục những “điểm nghẽn” của thị trường chứng khoán, chuỗi cung ứng xăng dầu... Câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn đã chạm trúng, đi đúng các vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm.

Chúng tôi mong muốn và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần tập trung ưu tiên các giải pháp tổng thể để ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế. Đây là yếu tố cốt lõi, “có thực mới vực được đạo” trong bối cảnh nền kinh tế và địa chính trị các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu đang có những biến đổi, biến động phức tạp, khó lường. Chính phủ cần có các phương án dự phòng cho “sức khỏe” của nền kinh tế, chủ động các kịch bản ứng phó với những tình huống bất trắc, bất ổn do dịch bệnh, thiên tai, tác động từ các cuộc xung đột vũ trang ở một số quốc gia có quan hệ hợp tác làm ăn với Việt Nam... Tăng trưởng nhanh là đáng mừng, nhưng tăng trưởng bền vững, ổn định mới là điều chúng ta cần có...

LỮ NGÀN (ghi)

*Cử tri NGUYỄN VĂN TÂN, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, TP Hà Nội:

Không nên cào bằng, cơ học trong cắt giảm biên chế 

Tôi rất ấn tượng với câu chất vấn của đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ ở một số lĩnh vực, địa phương. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong quá trình cơ cấu đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải thực hiện theo cách cơ học, giao chỉ tiêu. Trước đó, nhiều năm chúng ta không đạt được con số 10% này. Hiện nay, tuy có tồn tại, hạn chế khi có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng cào bằng nhưng nhìn chung, việc tinh giản biên chế, bộ máy đã đạt được mục tiêu đề ra.

Cử tri chúng tôi chưa hoàn toàn hài lòng với phần trả lời này. Việc chúng ta phấn đấu tinh giản biên chế 10% và kết quả đạt được là đáng ghi nhận, nhưng đối với những hạn chế, bất cập như cào bằng giữa các ngành nghề, khu vực... thì cần phải nghiên cứu để bảo đảm tính đặc thù. Một vấn đề nữa là tinh giản biên chế phải gắn với tổ chức bộ máy, tuy nhiên, các tổ chức còn chồng chéo và trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.

Tôi đề nghị cần tổng kết quá trình thu gọn bộ máy và tinh giản biên chế để xem xét hiệu quả đến đâu, đã thực sự giúp thu gọn đầu mối và tinh giản được biên chế chưa. Tiếp theo là xác định chuẩn biên chế từng cơ quan hành chính thông qua rà soát chức năng, nhiệm vụ. Công tác tuyển dụng, đánh giá cán bộ, công chức cũng cần phải chính xác, công tâm. Trên cơ sở đó xác định người nào xứng đáng ở lại làm việc, người nào cần đưa ra khỏi bộ máy.

LA DUY (ghi) 

*Cử tri VŨ TUẤN ANH, phường Trà Bá, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai:

Tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong điều hành của Chính phủ

Thời điểm cuối năm 2021, đất nước đang ở giai đoạn hết sức khó khăn, song Chính phủ đã ra Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Điều này thể hiện sự chủ động, kịp thời trong nhìn nhận, đánh giá đúng diễn biến tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, không ít địa phương thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, có sự chuyển biến chậm chạp, ra những quy định riêng, gây bức xúc trong đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động doanh nghiệp. Nhìn nhận thực tế, trong nhiều cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ đã liên tục chấn chỉnh, chỉ đạo vấn đề này. Với sự quyết liệt, liên tục đôn đốc, kiểm tra, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước đã có nhiều khởi sắc, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội có sự tiến bộ vượt bậc.

Theo dõi phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn hạn chế trong điều hành như tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, "trên rải thảm, dưới rải đinh”... Thủ tướng cho rằng, tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng cần kiên trì. Bên cạnh triển khai các biện pháp đồng bộ, cũng cần động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, công khai, minh bạch.

Tôi đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương, tạo sự thống nhất, không thể để hiện tượng “phép vua thua lệ làng”, “trên bảo, dưới không nghe”. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, tinh giản nhưng phải hiệu quả và thực tế, tránh rập khuôn, máy móc, dẫn đến tình trạng thiếu người làm việc mà thừa người điều hành. Ngoài ra, cần lắng nghe hơn nữa ý kiến phản ánh từ cơ sở, từ người dân để có quyết sách đúng đắn, nhất là với những vấn đề mang tính quy hoạch lâu dài, bền vững, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

MINH DUY (ghi)