QĐND - Thời gian qua, ngành y tế có nhiều “lùm xùm” về vấn đề đạo đức, nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân. Điều đó đã làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với thiên chức cao cả “trị bệnh cứu người” của người thầy thuốc. Trước thực trạng đó, lãnh đạo Bộ Y tế đã đề ra nhiều biện pháp để nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng y đức đối với đội ngũ thầy thuốc trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Y đức là gốc của người thầy thuốc

Trong xã hội có “bách nghệ” (trăm nghề) nhưng có thể nói ít có nghề nào lại được toàn xã hội tôn vinh và trọng vọng như nghề thầy thuốc. Và cũng theo đó, hiếm có nghề nào lại được toàn xã hội yêu cầu rất cao không chỉ ở lương tâm nghề nghiệp như nhiều nghề khác mà phải là “y đức”. Có như vậy mới thấy nghề y cần đến tấm lòng biết nhường nào, hay nói khác hơn “y đức” là gốc của người thầy thuốc.

Bình luận về vấn đề này, GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, những mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng nhiều tới y tế. Nền y tế tốt không chỉ là khám, chữa bệnh tốt mà còn phải góp phần làm cho người dân không bị nghèo hóa. Khi thầy thuốc kê một đơn thuốc gồm những thuốc chưa cần thiết, đắt tiền, hay chỉ định một xét nghiệm không cần thiết, chính bác sĩ mang đến cái nghèo cho người bệnh. Trước đây ở thời kỳ bao cấp, đức tính hy sinh là tiêu chí cao nhất trong giáo dục y đức. Người thầy thuốc không phải lo lợi ích cá nhân vì được xã hội hỗ trợ để phục vụ, không phải vấn vương giữa hy sinh và lợi ích cá nhân. Ở thời kỳ kinh tế thị trường, họ phải đau đầu khi giải quyết quan hệ giữa đức hy sinh và lợi ích cá nhân. Vì vậy, theo GS Phạm Mạnh Hùng, cần phải đổi mới nội dung giáo dục về y đức. Các giáo trình phải phân tích mối quan hệ giữa vị trí tính mạng người bệnh và lợi ích của người thầy thuốc. Trong đó, không thể không đề cập đến lợi ích của thầy thuốc, nhưng bất luận lợi ích lớn đến đâu, người thầy thuốc phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên lợi ích của mình. Đây vừa là mục đích hành nghề vừa là điều kiện hành nghề. Theo GS Hùng, công bằng trong chăm sóc sức khỏe phải được đề cao. Không thể áp dụng nguyên xi mọi quy luật kinh tế chung vào quản lý y tế. Không thể đa dạng hóa mọi gói dịch vụ y tế theo kiểu gói dịch vụ rẻ tiền cho người nghèo và gói dịch vụ đắt tiền cho người giàu.

Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.

Y đức là gốc của văn hóa ngành y

Sau vụ việc bác sĩ thẩm mỹ viện gây chết người trong quá trình gây mê, rồi ném xác nạn nhân xuống sông đã dấy lên làn sóng dư luận về vấn đề y đức của bác sĩ. Trước vụ việc này xảy ra thì ngành y tế cũng đã khiến dư luận xôn xao không ít với hàng loạt cái chết bất thường của sản phụ ở Thanh Hóa, Bình Dương, hay cái chết của bệnh nhi 5 tuổi sau khi tiêm kháng sinh, hộ sinh vô trách nhiệm khiến thai nhi bị chết, hàng ngàn mẫu xét nghiệm sao chép tại bệnh viện Hoài Đức… Sự phát triển gắn liền với những tác động tiêu cực của xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến người thầy thuốc. Những tác động tiêu cực dù ít, dù nhiều cũng đã làm xói mòn đạo đức, sự vươn lên làm chủ tay nghề và việc chữa trị, chăm sóc người bệnh của người thầy thuốc. Tuy nhiên, y đức phải xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc, có y đức thì dù trong môi trường nào họ cũng sẽ hành động vì tình người.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận, giáo dục đạo đức nghề nghiệp có một thời gian chưa thực sự quyết liệt. Nếu chỉ giáo dục hô hào suông mà không gắn với thi đua thì hiệu quả không cao. Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế có hành vi sai trái và biểu hiện xuống cấp về y đức. Nhưng cũng không vì vậy mà phủ nhận sạch trơn công lao của nhiều thế hệ cán bộ ngành y tế, trong đó có rất nhiều cán bộ, bác sĩ, nhân viên tâm huyết, giỏi nghề, luôn lấy cứu người làm trọng. Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, nhưng riêng nghề y càng cần hơn nữa sự sáng về y đức, sâu về y lý và giỏi về y thuật để tận tâm với nghề.

Việt Nam hiện có hơn 13.000 cơ sở y tế công lập, 35.000 cơ sở y tế tư nhân với hơn 400.000 cán bộ y tế hằng ngày phục vụ hàng triệu lượt khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chúng ta ghi nhận những đóng góp to lớn, những hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế đang ngày đêm cần mẫn chăm sóc, phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao; có những thầy thuốc quên ăn, quên ngủ với hy vọng sớm tìm ra căn nguyên của những căn bệnh quái ác, giành lại sự sống cho người bệnh; có những người trực tiếp hiến máu cứu người bệnh... nhưng cũng rất bất bình trước những việc làm thiếu trách nhiệm, vô lương tâm của một số nhân viên y tế trong thời gian qua. Ðối với phần lớn những người làm ngành y, thì việc nâng cao y đức trước tiên là việc nâng cao tay nghề, cùng với đó là việc nâng cao tinh thần trách nhiệm để tận tụy với người bệnh. Ðiều cốt lõi nhất của y đức vẫn xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc.

Bài và ảnh: THU HƯƠNG