Chuối ngự là giống chuối quý, ngon, xếp đầu bảng trong hơn 30 giống chuối ở Việt Nam; xưa kia, loại chuối này được dùng dâng vua cho nên còn có tên gọi là chuối tiến vua. Khác với những loại chuối thông thường, chuối ngự quả nhỏ hơn, khi chín có màu vàng óng, vỏ rất mỏng, thịt vàng, ăn thơm, có vị ngọt thanh đạm, ăn nhiều không cảm thấy ngán.

Nải chuối ngự hội tụ đầy đủ các yêu cầu về hình dáng, về hương, sắc… Điều đặc biệt là chuối ngự Đại Hoàng dù có chín nẫu nhưng cuống chuối lúc nào cũng tươi xanh, để lâu quả chuối cũng không bị rụng. Chuối ngự ở Đại Hoàng có nhiều loại nhưng ba loại thường thấy là chuối ngự mít-hay còn gọi là chuối ngự thóc, chuối ngự trâu hay chuối ngự trắng.


Chuối ngự ngon, đẹp, quý, các quả phải nây đều như nhau và đặc biệt phải giữ được long tu (râu chuối). 

Chuối ngự Đại Hoàng vừa ngon, vừa bổ lại hiếm và quý, bởi không có nơi nào trồng được ngoài vùng đất Đại Hoàng. Đây là nét đặc thù riêng có mà thiên nhiên đã ban tặng cho quê hương Hà Nam.

Nhiều người đã từng đem giống chuối quý này đi trồng ở nhiều vùng khác nhau, mặc dù quả cũng có hình dáng tương tự nhưng không có vị ngon và hương thơm như của chuối ngự Đại Hoàng. Do đó, mà chuối ngự mới trở thành đặc sản duy nhất chỉ có ở Đại Hoàng.

Để có được quả chuối chín vừa, thơm và ngọt nhất thì từ công đoạn trồng đã rất công phu. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng quy trình chăm sóc, bảo vệ chuối một cách chặt chẽ, quy trình chăm sóc cũng rất cầu kỳ từ việc bón phân, đến việc thu hoạch. Công đoạn dấm chuối cũng vô cùng quan trọng. Gia đình nào có cả vườn chuối thường phải xây vài ba cái lò dấm trong nhà. Lò dấm chuối có thể xây hoặc đắp bằng vách đất, mỗi lò chứa được khoảng mươi buồng, phải luôn giữ ở nhiệt độ vừa phải để cho chuối chín mà không nẫu.

Hiện nay, toàn xã Hòa Hậu có hơn 2.000 hộ dân tham gia trồng chuối ngự, với diện tích hơn 100ha. Cây chuối ngự đã trở thành cây chủ lực, là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Chính vì vậy, từ việc trồng cây cho đến việc thu mua, bao tiêu sản phẩm đều được Hội Sản xuất và tiêu thụ chuối ngự bảo vệ.

Được xác định là giống quý hiếm, có chất lượng dinh dưỡng cao nên dự án Bảo tồn gien quý hiếm của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP-UNDP) đã tài trợ thực hiện dự án bảo tồn giống chuối này và phát triển thành một vùng chuyên canh trồng chuối ngự đặc sản. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tiêu thụ chuối ngự rất lớn, đặc biệt vào dịp lễ, Tết, ngày rằm hay mồng một hằng tháng, sản lượng chuối ngự của địa phương không đáp úng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó,trên thị trường xuất hiện loại chuối ngự trồng ở nơi khác với chất lượng kém hơn nhưng cũng lấy tên là chuối ngự Đại Hoàng. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và hiệu quả sản xuất thương mại của chuối ngự Đại Hoàng. Vì vậy, chính quyền địa phương đã nỗ lực để mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và bảo vệ thương hiệu cho đặc sản của địa phương.

Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ giống chuối đặc sản này của nước ta. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp-Viện Cây lương thực và cây thực phẩm-Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với Hội Sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng tổ chức lễ gắn tem nhãn chuối ngự Đại Hoàng nhằm quản lý và phát triển “Chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng” cho sản phẩm chuối ngự của Hà Nam.

Những nỗ lực đó đã góp phần nâng cao giá trị và uy tín cho sản phẩm chuối ngự, đồng thời giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm-đặc sản chuối ngự nổi tiếng của Hà Nam.

Bài và ảnh: ĐỖ VĂN TRỌNG