Những ích lợi trong việc sử dụng

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Ngành công nghiệp gang, thép của Việt Nam những năm gần đây phát triển với tốc độ nhanh. Hiện trên cả nước có 10 lò cao luyện gang, thép đang vận hành. Dự kiến năm 2018, sản lượng gang đạt 7 triệu tấn và đến năm 2020 đạt 13 triệu tấn. Thép thô năm 2018 là 14 triệu tấn, năm 2020 là 20 triệu tấn. Quá trình sản xuất gang, thép sản sinh ra khối lượng xỉ lò cao rất lớn, năm 2018 là hơn 4 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020, con số này có thể nâng lên hơn 7 triệu tấn.

Bê tông chịu mặn có thành phần từ xỉ gang được sử dụng để xây dựng cảng biển Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: TRẦN NGHI

  Tại nhiều quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản, XGT được coi là sản phẩm phụ của ngành gang, thép hoặc một loại tài nguyên; là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng, vật liệu làm cốt đường giao thông, chế tạo phân bón... Song, ở Việt Nam vẫn coi đây là chất thải thông thường. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp chú ý đến vấn đề tái chế, sử dụng XGT. “Như vậy, ở nước ta còn nhiều dư địa để ngành gang, thép cung cấp xỉ phục vụ sản xuất xi măng. Sử dụng XGT trong sản xuất xi măng mang lại hiệu quả kép về kinh tế và môi trường. Để sản xuất một tấn xi măng với nguyên liệu thông thường sẽ thải ra khoảng 0,8 tấn CO2, nhưng nếu dùng xỉ làm nguyên liệu sản xuất xi măng thì lượng CO2 thải ra khoảng 0,3 tấn. Việt Nam đang tìm mọi cách để giảm phát thải CO2, vì vậy, đây là lợi ích rất to lớn đối với môi trường", ông Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh.

TS Mai Văn Thanh, Ban nghiên cứu phát triển của Tập đoàn Hòa Phát, cho biết: "Hòa Phát đã thành công trong việc biến xỉ lò cao luyện gang thành phụ gia cho sản xuất xi măng, bê tông, vữa, hoặc làm chất kết dính gia cố nền đất yếu có giá trị kinh tế cao, tối ưu hóa công nghệ để bảo vệ môi trường. Vừa qua, những lô xỉ hạt lò cao luyện gang nghiền mịn mang tên S95 của Hòa Phát chính thức được đưa ra thị trường. “Đáng chú ý, với xỉ hạt lò cao S95, Việt Nam có thể sản xuất đại trà xi măng, bê tông bền trong môi trường nước mặn và nước lợ, ngăn chặn sự xâm thực của clo và sunfat, đáp ứng nhu cầu tăng tuổi thọ cho các công trình”. Nhấn mạnh lợi ích từ tái sử dụng XGT trong sản xuất xi măng, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cũng cho rằng, ngành công nghiệp gang, thép có thể tận dụng sản phẩm này vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, xỉ hạt lò cao luyện gang, thép có độ cứng cao, khó nghiền. Ngoài ra, chi phí vận chuyển xỉ cao hơn clinker và phụ gia, vì vậy cần hợp lý thì việc sử dụng xỉ tro mới hiệu quả.

Cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật

 XGT có thể tái chế và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc sử dụng XGT tại Việt Nam còn nhiều bất cập và khó khăn. Thông tin của một số doanh nghiệp xử lý XGT cũng cho biết, một rào cản khác khiến loại nguyên liệu này khó tiêu thụ là liên quan đến vấn đề thẩm mỹ của xi măng. Xưa nay, trong tâm trí người tiêu dùng luôn quan niệm xi măng phải có màu đen, trong khi xi măng sử dụng xỉ lò cao lại có màu trắng. Do đó, mặc dù xỉ lò cao được đánh giá là phụ gia tốt trong sản xuất xi măng nhưng lại chỉ được pha 10-15%. Nhiều nhà máy sử dụng thêm đá đen để tạo màu cho xi măng nhưng đây lại không phải là phụ gia tốt.

Đề cập tới khó khăn khác, bà Đậu Thị Hoa, cán bộ môi trường Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết, việc tái chế, sử dụng XGT hiện có nhiều rào cản từ thủ tục hành chính. Hiện xỉ thép của công ty này đã nhận được hợp chuẩn làm cấp phối đường, làm nền; được công nhận là sản phẩm hàng hóa, nhưng khi sử dụng trong nhà máy hoặc chuyển giao ra bên ngoài, mỗi đơn vị chủ quản yêu cầu cung cấp rất nhiều văn bản pháp lý khác nhau. "Chính phủ cần ban hành tiêu chuẩn cơ bản khi đưa XGT vào ứng dụng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm tái chế từ XGT ứng dụng các công trình xây dựng thay thế vật liệu tự nhiên. Mặt khác, cần hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về lợi ích của vật liệu XGT, tránh hiểu nhầm đây là chất thải hoặc có độc hại với môi trường", bà Đậu Thị Hoa kiến nghị.

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tái chế, sử dụng XGT, ông Nguyễn Văn Sưa kiến nghị, mặc dù Nhà nước đã đưa nhiều quy định khuyến khích việc tái sử dụng XGT, tuy nhiên, hành lang pháp lý vẫn chưa được hoàn thiện. Hiện chưa có tiêu chuẩn XGT, điều này gây khó cho doanh nghiệp. Trong khi chi phí nghiền xỉ còn cao, cần có những nghiên cứu về công nghệ. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách ứng xử đúng với XGT. Cần xác định rõ XGT không phải là phế thải công nghiệp mà là sản phẩm phụ của công nghệ sản xuất gang, thép. Do đó cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, vận chuyển và sử dụng XGT.

MINH ĐỨC