Người dân thi đua thoát nghèo

Trong căn nhà đơn sơ của vợ chồng ông Mô Lôm Bês và bà H’Bôm, dân tộc Ê Đê, ở bon Phi Mua (xã Quảng Khê, huyện Đăk G’long), tấm giấy khen của UBND huyện Đăk G’long tuyên dương gia đình tiêu biểu trong việc cam kết thoát nghèo bền vững năm 2019 được treo ở vị trí trang trọng nhất. Đây là niềm tự hào và cũng là động lực giúp ông bà phát triển kinh tế hiệu quả để thoát nghèo bền vững. Tuy tuổi đã cao, kinh tế chưa thật đủ đầy, nhưng vợ chồng ông Mô Lôm Bês nghĩ, cuộc sống của mình như vậy đã tốt hơn rất nhiều người trong bon, nếu gia đình mình ra khỏi diện hộ nghèo thì sẽ giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Nghĩ là làm, sau khi 1ha cà phê cho thu hoạch khá, vợ chồng ông bà quyết định viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. "Hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước và chính quyền địa phương, nhưng xã hội ngày càng phát triển, không cớ gì gia đình mình nghèo mãi. Vợ chồng mình có đất, còn sức khỏe, lại được địa phương cho tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê và vay vốn ưu đãi để phát triển vườn cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng thêm thu nhập. Giờ muốn nghèo cũng không nghèo được", bà H’Bôm nói rồi nở nụ cười hạnh phúc. 

Cũng ở bon Phi Mua, ông K’N Rá, dân tộc Mạ, viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều làm ông K’N Rá phấn khởi, yên tâm nhất là mặc dù ra khỏi diện hộ nghèo nhưng vẫn được tỉnh Đắc Nông hỗ trợ các chính sách vay vốn, y tế, giáo dục thêm hai năm nữa. Con gái ông đang học cao đẳng sư phạm ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục được vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên và ông cũng được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn thoát nghèo để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ông K’N Rá trải lòng: "Khi viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, tôi cũng rất lo lắng. Nhưng rồi tôi nghĩ phải có quyết tâm cao thì mới thoát nghèo được. Hơn nữa, chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ để chúng tôi vươn lên thoát nghèo bền vững, nên rất yên tâm".

Ban CHQS huyện Đăk R'lấp (Đắc Nông) giúp người dân xã Quảng Tín chăm sóc cây cà phê.

Trong đợt bình xét hộ nghèo cuối năm 2019, toàn tỉnh Đắc Nông có hơn 2.000 hộ dân viết đơn tình nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Kết quả giảm nghèo cũng khá ấn tượng, nếu như tính từ cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh Đắc Nông là 19,20%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm 40,38% thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh đã giảm xuống 10,52%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người DTTS còn 24,15%. Ông K’Krang, Trưởng bon Phi Mua cho chúng tôi biết: "Bon mình bây giờ nhà nào cũng muốn ra khỏi diện hộ nghèo, không muốn dựa dẫm vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Người già gương mẫu thi đua với người trẻ để cùng nhau thoát nghèo bền vững".

Hỗ trợ những gì người dân có nhu cầu

Trao đổi với người dân và lãnh đạo các địa phương, chúng tôi ghi nhận, kết quả giảm nghèo bền vững ấn tượng của tỉnh Đắc Nông trong những năm qua một mặt nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chủ trương, chính sách, chương trình đặc thù cho vùng DTTS, nhưng quan trọng hơn chính là sự vào cuộc chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2016, tỉnh Đắc Nông ban hành chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, xác định rõ mục tiêu, nguồn lực, giải pháp, lộ trình để giảm nghèo bền vững cho từng đối tượng cụ thể. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã xây dựng và ban hành nghị quyết, kế hoạch phát huy nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương để giảm nghèo. Nhờ đó, hệ thống chính sách, chương trình, dự án được thực hiện đồng bộ, vừa hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, người nghèo trên phạm vi toàn tỉnh, vừa ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo nhanh, bền vững đối với xã nghèo, huyện nghèo và những địa bàn khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh Đắc Nông cũng nghiên cứu, đề xuất với Trung ương và ban hành một số chính sách đặc thù đối với hộ nghèo nói chung và hộ nghèo người DTTS nói riêng, như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng ở các địa phương khó khăn, vùng DTTS... Đặc biệt, để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, sau khi hộ thoát nghèo, tỉnh vẫn hỗ trợ thêm hai năm với 100% lãi suất vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh và 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế theo loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh phổ thông và sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học...

Để thực hiện thành công các chính sách này, tỉnh Đắc Nông đã huy động nhiều nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Chỉ tính riêng năm 2019, tỉnh đã huy động 174 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; 25,8 tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh và 21 tỷ đồng nguồn vốn lồng ghép với các chương trình của các tổ chức chính trị-xã hội. Theo đồng chí Nguyễn Đức Nguyên, Bí thư Thành ủy Gia Nghĩa (Đắc Nông), để thu hút, phân bổ các nguồn lực giảm nghèo hiệu quả, phải phân chia hộ nghèo ra từng nhóm và xác định rõ từng nhu cầu cần hỗ trợ, chẳng hạn: Nhóm cần hỗ trợ đất sản xuất; nhóm cần hỗ trợ vốn vay; nhóm cần hỗ trợ bò giống; nhóm cần hỗ trợ nhà ở; nhóm cần hỗ trợ thông tin, kỹ thuật... Đồng thời, tỉnh thực hiện quan điểm không hỗ trợ bình quân, đồng loạt mà hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo và không hỗ trợ những gì người dân không cần mà hỗ trợ những gì người dân còn thiếu, người dân có nhu cầu.

Bài và ảnh: ANH SƠN - NGUYỄN TOẢN