QĐND Online – “Với lợi thế du lịch biển đảo, vùng duyên hải Nam Trung Bộ được đánh giá là khu vực sẽ có tăng trưởng du lịch cao nhất (trong 7 khu vực trên cả nước) trong thời gian tới”, PGS. TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết như vậy tại hội thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030” diễn ra ngày 16-6 tại Hà Nội.
Với sự tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hội thảo lần này được tổ chức nhằm lấy ý kiến thảo luận, hoàn chỉnh bản quy hoạch để trình Chính phủ trong năm nay. Theo quy hoạch của ngành du lịch, có 7 vùng du lịch với định hướng phát triển chủ yếu trên cơ sở khai thác đặc trưng tài nguyên gắn với các trung tâm đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế và các địa bàn động lực tăng trưởng về du lịch. Dự báo trong tương lai, vùng duyên hải Nam Trung Bộ sẽ có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt 9,7%; kèm theo đó là tốc độ tăng trưởng thu nhập du lịch là 18%; giai đoạn 2016-2020: 8,7% (14%); giai đoạn 2021-2025: 7,8% (9%); giai đoạn 2026-2030: 6% (8,8%).
 |
Biển Nha Trang, điểm du lịch được kỳ vọng phát triển mạnh trong 10 – 20 năm tới.
|
PGS.TS Phạm Trung Lương phân tích, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng cho tới Bình Thuận có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông bộ, sắt, hàng không và biển, gần TP.Hồ Chí Minh và khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ, cửa ngõ của Tây nguyên, của đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. Đây cũng là khu vực tiềm năng về du lịch biển, đảo. Thêm vào đó, các tỉnh, thành phố trong khu vực này rất quan tâm tới phát triển du lịch, coi đây là yếu tố mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương cũng như trong khu vực. Một số địa phương trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã tạo được ấn tượng với du khách quốc tế như: Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam), Mũi Né (Bình Thuận), Đà Nẵng...
Theo ông Phạm Trung Lương, khu vực Tây Nguyên mặc dù có tiềm năng khai thác du lịch song sẽ là khu vực có tốc độ phát triển thấp nhất cả nước do nhiều yếu tố khác nhau. Một vấn đề khác cũng được ông Lương đưa ra là hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ gây tác động tiêu cực và là thách thức với phát triển du lịch nước ta trong giai đoạn tới, nhất là với khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Một trong các “bài toán hóc búa” nhất đối với những người làm quy hoạch du lịch là việc đưa ra dự báo cho sự tăng trưởng của số lượng khách, doanh thu du lịch trong 10-20 năm tới. Rút kinh nghiệm từ lần dự báo “chệch chuẩn” khá xa trong quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2000-2010, lần này Viện nghiên cứu đã đưa ra 3 phương án phát triển ở các mức thấp, trung bình và cao trong lộ trình xây dựng quy hoạch. Phương án trung bình cuối cùng được Viện nghiên cứu chọn lựa với các chỉ tiêu cụ thể được đặt ra là: Năm 2015 đạt 7,3 triệu lượt khách quốc tế, 36 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 10,5 tỷ USD. Năm 2020 là khoảng 10,3 triệu lượt, khách nội địa đạt 47,5 triệu lượt, mang lại doanh thu 19 tỷ USD. Năm 2025 đạt 14 triệu khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa, 27 tỷ USD. Năm 2030 18 triệu lượt khách quốc tế, 71 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt gấp hơn 2 lần năm 2020.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2030 cũng nhấn mạnh việc phát triển du lịch với cả thị trường nội địa và quốc tế. Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển ở các thị trường Đông Bắc Á, ASEAN; duy trì ở thị trường Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu và mở rộng ra thị trường Trung Đông, Ấn Độ... Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, bên cạnh bản Quy hoạch phát triển tới năm 2020, tầm nhìn 2030, ngành cũng đang xây dựng đề án phát triển du lịch biển, đảo giai đoạn 2011-2020. Theo Đề án này, đến năm 2020 Việt Nam sẽ hình thành được 5 khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực. Đó là khu Hạ Long-Cát Bà; Lăng Cô- Sơn Trà- Hội An; Nha Trang- Cam Ranh, Phan Thiết-Mũi Né, khu du lịch Phú Quốc. Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch biển giàu tiềm năng như Vân Đồn-Cô Tô; khai thác tour du lịch ra Trường Sa-Hoàng Sa; đầu tư, khai thác cảng du lịch chuyên dụng... Cũng theo ông Tuấn, 5 tháng đầu của năm 2011, du lịch Việt Nam có tín hiệu khả quan với lượng khách quốc tế đến nước ta đã đạt hơn 2,5 triệu lượt, khách nội địa là 14 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010.
Bài, ảnh: Mi Anh