Tạo sự bùng nổ ngành viễn thông

Năm 2023, trước bối cảnh chính trị, kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, Viettel tiếp tục chứng minh, càng đối diện với thách thức, Viettel càng mạnh mẽ, đoàn kết, sáng tạo, bứt phá. Năm 2023, Viettel đạt được thành tựu ấn tượng trên tất cả lĩnh vực viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất... Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, năm 2023, doanh thu Viettel đạt 172,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 5,4%; đóng góp cho ngân sách nhà nước 38,9 nghìn tỷ đồng. Trong 3 năm trở lại đây, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu hơn 25%.

leftcenterrightdel

Các kỹ sư của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G. Ảnh: THÚY MAI 

Viettel đã xây dựng hai hạ tầng ở quy mô quốc gia. Thứ nhất là hạ tầng viễn thông siêu băng rộng với 5 đường trục cáp quang nội địa, 3 hướng trục cáp quang quốc tế đi Trung Quốc, Lào, Campuchia trên đất liền, 4 đường cáp quang biển kết nối châu Á, châu Âu và châu Mỹ, gần 100.000 trạm phát sóng, trong đó có hơn 55.000 trạm 4G phủ sóng tới 98% dân số Việt Nam. Thứ hai là hạ tầng số với mạng 5G đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố, hạ tầng IoT kết nối vạn vật, 13 trung tâm dữ liệu DC, lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, Viettel đồng hành với Chính phủ thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Là doanh nghiệp công nghệ dẫn đầu tại Việt Nam, Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong và hiệu quả trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài với 10 thị trường tại 3 châu lục, trong đó chiếm vị trí số 1 về thị phần viễn thông tại 7 thị trường. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 5 năm gần nhất gấp 4-5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của ngành viễn thông thế giới.

Hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao

Tổ hợp công nghiệp quốc phòng đóng vai trò rất quan trọng, dẫn dắt trong hệ thống đổi mới sáng tạo tại các cường quốc trên thế giới. Các nước trên thế giới đều có xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại. Với sứ mệnh của mình, Viettel đang là hạt nhân xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam. Viettel cũng đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm. Các sản phẩm cung cấp cho Quân đội vừa bảo đảm an toàn, vừa giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, Viettel góp phần hình thành nền công nghiệp an ninh mạng tại Việt Nam, đặt sứ mệnh xây dựng không gian mạng lành mạnh để người dân sống an toàn hơn. Viettel là nhà cung cấp dịch vụ an toàn thông tin số 1 tại Việt Nam, chiếm tới 40% số lượng sản phẩm an toàn thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị sử dụng. Sở hữu đội chuyên gia an toàn thông tin được công nhận trên đấu trường thế giới với thành tích tìm ra hơn 400 lỗ hổng bảo mật zero-day (lỗ hổng chưa từng được công bố).

Năm 2023, Viettel giành chức vô địch tại cuộc thi khai thác lỗ hổng bảo mật lớn nhất thế giới Pwn2Own; giữ vị trí số 1 tại bảng xếp hạng cao thủ bảo mật thế giới Bugcrowd, được nhiều hãng công nghệ tầm cỡ như Microsoft, Google, Facebook, Oracle tôn vinh trong tốp các chuyên gia bảo mật có đóng góp giá trị nhất.

Cần chiến lược về gây dựng “sếu đầu đàn”

Có thể thấy, những năm qua, Viettel đã thay đổi rất nhiều, từ tầm vóc, quy mô, kinh nghiệm đến tiềm lực vật chất và con người. Nhưng có một điều đã và sẽ không hề thay đổi: Đó là khát vọng Viettel trở thành một tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu hùng mạnh, không chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông, giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số, chuyển phát, logistics và thương mại mà sẽ nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Khát vọng và hành động của Viettel đã và đang truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác.

Thế nhưng để Viettel phát huy tối đa vai trò dẫn dắt, khẳng định vai trò “sếu đầu đàn”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng đề xuất Đảng, Nhà nước sớm ban hành chiến lược về gây dựng “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế và cơ chế, chính sách kèm theo. Theo Thiếu tướng Tào Đức Thắng, doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, chịu sự quản lý của chủ sở hữu.

Những doanh nghiệp này vừa bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vừa tuân thủ tính pháp lý trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, việc hiện chưa có các cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp nhà nước tăng tính chủ động, tạo động lực tăng trưởng, huy động các nguồn lực, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm.

“Việc gây dựng "sếu đầu đàn" và các cơ chế kèm theo là bước đi có tính chất quyết định để xây dựng các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò dẫn dắt mở đường, kết nối được khu vực tư nhân, làm chủ công nghệ, hình thành các chuỗi đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước tự chủ, vững mạnh”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng đề xuất.

Liên quan tới chủ trương phát triển các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô lớn là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Nhiều quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước được ban hành, gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển các doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp lớn, đủ năng lực thực hiện những nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong giai đoạn đầu của cải cách kinh tế, các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, những “doanh nghiệp đầu đàn”, “doanh nghiệp dân tộc” để vừa tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Với mục tiêu phát triển “những con sếu đầu đàn” cho nền kinh tế, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

Đề án dự kiến nghiên cứu, lựa chọn các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để đi tắt, đón đầu, trở thành ngành công nghiệp tương lai của đất nước, như: Điện gió ngoài khơi, amoniac, hydrogen xanh, sản xuất thép, sản xuất ô tô điện, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp bán dẫn, kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia...

Đối với doanh nghiệp quy mô lớn thuộc khu vực nhà nước, ngoài các chính sách hỗ trợ chung nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ tại doanh nghiệp nhà nước phục vụ hoạt động đầu tư phát triển, như: Thực hiện phân cấp mạnh mẽ, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp; đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp (thí điểm thuê tổng giám đốc, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn môi trường - quản trị - doanh nghiệp...).

VŨ DUNG 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.