Thêm nhiều cung đường, nhịp cầu mới

Ông Nguyễn Công Đích, 75 tuổi, thương binh hạng 4/4 ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về sự đổi thay của quê nhà, mà sự thay đổi lớn nhất là hệ thống giao thông, những cung đường, nhịp cầu mới “nối những bờ vui”. “Sáng tôi về quê ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn) rồi mang sản vật quê nhà đến liên hoan cùng bạn bè chiến đấu cũ ở Thái Nguyên. Đến chiều về thăm con cháu ở Hà Nội. Đến tối lại về với gia đình ở thành phố Lạng Sơn. Đường sá bây giờ tốt lắm. Với chặng đường ấy, trước kia phải đi mất ba, bốn ngày” - ông Đích nói.

Cụ Ma Văn Chấn, 96 tuổi, dân tộc Tày, ở xóm Thanh Thế, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cũng tự hào nói về sự đổi thay của quê nhà. “Trước kia từ xóm tôi lên tỉnh lỵ Thái Nguyên phải mất nửa ngày đi bộ, nay thì chỉ mất khoảng một giờ đi ô tô hoặc xe máy thôi”-cụ Chấn vuốt râu cười rất tươi.

Mấy năm gần đây, việc nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đã tạo đột phá cho các tỉnh vùng Việt Bắc phát triển. Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã hoàn thành và sắp kéo dài đến Chợ Mới (Bắc Kạn). Quốc lộ 1A từ Hà Nội đi Lạng Sơn liên tục được mở rộng, nâng cấp. Các huyết mạch nối các tỉnh lỵ Tuyên Quang-Thái Nguyên-Lạng Sơn-Cao Bằng-Bắc Kạn cũng đã được đầu tư, là động lực quan trọng tạo ra sự liên kết vùng để cùng phát triển.

Đi theo hệ thống giao thông là các đô thị, cơ sở công nghiệp và dịch vụ du lịch. Nhiều thị xã trước kia, nay được nâng cấp lên thành phố như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sông Công, Bắc Kạn... Hàng loạt nhà máy đã và đang mọc lên ở các khu công nghiệp: Yên Bình, Phổ Yên, Sông Công (Thái Nguyên);  Chợ Mới, Chợ Đồn (Bắc Kạn); Đồng Bành, Chi Lăng (Lạng Sơn); thành phố Cao Bằng, thành phố Tuyên Quang... Khách du lịch đến với Mẫu Sơn, Chùa Tam Thanh (Lạng Sơn); ATK Định Hóa, Hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Thái Nguyên); ATK Tân Trào, suối nước nóng Mỹ Lâm (Tuyên Quang); Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); rừng Trần Hưng Đạo, Thác Bản Giốc (Cao Bằng)... tăng khá nhanh.

Công nghiệp và du lịch phát triển đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và tăng thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương. Chỉ tính riêng tỉnh Thái Nguyên, trong  7 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 5.617 tỷ đồng, đạt 86,4% dự toán cả năm.  

 Một góc thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: QUANG DUY.

“Núi rừng có điện thay sao”

Đúng dịp kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng tôi về thăm quê hương cách mạng ATK Định Hóa (Thái Nguyên).  Cờ đỏ sao vàng rực rỡ khắp vùng đất từng được mệnh danh "Thủ đô gió ngàn".  Ước mơ “Núi rừng có điện thay sao” đã trở thành hiện thực tại đây từ mấy năm trước. Điện lưới quốc gia đã thắp sáng những bản làng; đường nhựa, đường bê tông phẳng lì đến từng thôn, bản.

Đồng chí Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Định Hóa đặc biệt quan tâm việc phát triển cơ sở hạ tầng. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện đã huy động hơn 150 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng mới như: Hồ Đồng Lá, kè sông Chu, đường Tân Thịnh-Khe Thí, Trường Mầm non Phú Đình… Huyện tích cực lồng ghép các nguồn vốn đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài hai xã mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đồng Thịnh và Phượng Tiến, huyện đang tập trung nguồn lực để tiếp tục đưa hai xã Bảo Cường, Trung Hội “cán đích” xã nông thôn mới trong năm 2016… Cũng tại Định Hóa, dự án xây dựng “Cánh rừng mẫu lớn” đầu tiên của Thái Nguyên vừa được triển khai, mở ra hướng đi mới trong phát triển lâm nghiệp, tạo sinh kế dưới tán rừng gắn với bảo vệ vốn rừng…

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được triển khai sâu rộng đến toàn vùng Việt Bắc; trong đó, lực lượng vũ trang Quân khu đóng góp nhiều công sức, nguồn lực. Chúng tôi được chứng kiến niềm vui của bà con người Mông, người Dao của xóm Phú Đô 2 (xóm khó khăn nhất của xã Phú Đô và  huyện Phú Lương, Thái Nguyên) khi được Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên bàn giao nhà văn hóa trị giá hơn 500 triệu đồng tặng xóm. Đồng chí Phạm Ngọc Tân,  Chủ tịch UBND xã Phú Đô xúc động nói: Món quà là tình nghĩa của bộ đội với nhân dân, là động lực để những người dân địa phương vươn lên.

Chúng tôi cũng được chứng kiến niềm vui của bà con dân tộc Nùng ở bản đặc biệt khó khăn Lũng Luông của xã Vạn Linh (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) khi được bộ đội Sư đoàn 3 (Quân khu 1) làm đường bê tông vào bản, sau đó điện lưới điện quốc gia đã được kéo về.

Nỗi niềm Việt Bắc

Rong ruổi trên những con đường xuyên vùng Việt Bắc, chúng tôi được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của vùng căn cứ địa cách mạng, niềm vui của bà con các dân tộc Việt Bắc trước sự đi tới của quê hương. Tuy nhiên, nếu so với nhiều vùng khác trong cả nước thì Việt Bắc vẫn là vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong vùng, tuy giảm khá nhanh qua từng năm, nhưng hiện vẫn đang đứng đầu cả nước. Bắc Kạn hiện đang là tỉnh duy nhất của cả nước chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Không ít học sinh ở một số xã của Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… vẫn phải học trong những lớp học tạm bợ. Nguyên nhân dẫn đến cái nghèo của Việt Bắc có nhiều, nhất là do điểm xuất phát thấp, vị trí địa lý không thuận lợi, do trình độ dân trí còn hạn chế…

Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi thấy có sự bất cập trong việc phân bổ kinh phí theo dân số. Hiện tại, Bắc Kạn đang là tỉnh có dân số thấp nhất của cả nước. Nếu so sánh với tỉnh Bắc Ninh thì dân số của Bắc Kạn chưa bằng một phần ba, nhưng diện tích của Bắc Kạn lại lớn gấp 6 lần diện tích của Bắc Ninh. Cũng do đất rộng, người thưa, nên một số tiêu chí về nông thôn mới của Bắc Kạn phấn đấu mãi vẫn chưa đạt được, như tiêu chí về xử lý rác thải.

Việt Bắc, nơi mà lòng yêu nước của đồng bào hòa nhập với địa thế hiểm trở của núi sông đã trở thành hậu cứ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.  Trong thư gửi đồng bào Việt Bắc năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò to lớn của Việt Bắc trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.

Việt Bắc đã vì cả nước trong đấu tranh. Trong sự nghiệp “xóa đói, giảm nghèo” và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Bắc đang cần sự sẻ chia, tiếp sức của đồng bào và chiến sĩ  cả nước để vững vàng trên đường “Ta đi tới”...

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ và tuyên bố chính thức thành lập Khu giải phóng Việt Bắc bao gồm hai căn cứ lớn trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc ngoại vi tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái. Khu giải phóng đã thực sự là “hình ảnh nước Việt Nam mới”, cùng với hệ thống các chiến khu trong cả nước tạo thành hậu phương và bàn đạp cho thế trận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945. 

Ghi chép của ĐỖ PHÚ THỌ