Tháng 12-2006, bạn đọc ở huyện Thanh Miện phản ánh với Đường dây nóng báo Quân đội nhân dân về việc: Những sai phạm của ông Bùi Trọng Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã rõ ràng, nhưng việc xử lý kỷ luật lại không kịp thời, thiếu nghiêm minh, gây bức xúc trong dư luận. Vừa qua, chúng tôi đã về Hải Dương để tìm hiểu rõ sự việc.
Từ sai phạm nghiêm trọng về kinh tế...
Ông Bùi Trọng Hưng, sinh năm 1953, là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, đến năm 2001 giữ chức Phó bí thư (Tiếp theo trang 8)
huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương, trong thời gian dài ở cương vị công tác của mình, ông Hưng đã có những sai phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể là:
Về quản lý đất đai, qua kiểm tra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở xã Chi Lăng Bắc, phát hiện có 25 giấy cấp không đúng quy định, trong đó ông Hưng ký 21/25 giấy. Có những giấy không ghi ngày tháng, xã không đề nghị và Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện không làm thủ tục, nhưng ông Hưng vẫn ký sổ đỏ cho họ. Nhiều trường hợp ông Hưng ký tăng diện tích (so với sổ theo dõi của xã và số liệu của Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện) cho người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như ký tăng diện tích cho bà Vũ Thị Xoa 243m2, ông Trần Văn Nhật 491m2. Việc ký quyết định nói trên khiến nhân dân xã Chi Lăng Bắc cho rằng có đường dây tiêu cực trong huyện nên từ đó thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện.
Trong quản lý tài chính, ngân sách, ông Hưng cũng mắc nhiều sai phạm. Ông Hưng ký quyết định số 594 tháng 10-2003 quy định: Tiền đấu giá chuyển quyền sử dụng đất chỉ nộp về ngân sách theo giá sàn. Phần đấu thầu vượt giá sàn chỉ nộp về huyện 10%, còn lại 90% xã được sử dụng (trái với quy định của UBND tỉnh Hải Dương). Ông Hưng cho phép xã hạch toán sai mục lục ngân sách khoản tiền thu từ cấp quyền sử dụng đất sang thu khác để sử dụng toàn bộ số tiền đó cho 4 xã trong huyện chi tiêu với số tiền là 1.671.657.800 đồng. Ông Hưng còn đồng ý cho việc lập và sử dụng quỹ trái phép, cho thành lập Quỹ phát triển sản xuất thông qua hai quyết định rút 375 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước và chi một phần cho những nội dung như làm lịch sử truyền thống, đi tham quan nước ngoài… Khi được một cơ quan ở Hà Nội sử dụng mặt bằng đặt trạm điện thoại di động hỗ trợ huyện 70 triệu đồng, ông Hưng đã chỉ đạo không nộp vào ngân sách như quy định mà để ngoài sổ sách, không báo cáo tập thể, tự ý chi tiêu trong nội bộ (vi phạm Điều 72 của Luật Ngân sách và Điều 166 Bộ luật Hình sự). Ngoài ra, với cương vị là Trưởng ban chỉ đạo, ông Hưng còn có sai phạm trong tổ chức tiêu hủy đàn thủy cầm trên địa bàn mà báo Quân đội nhân dân đã có bài viết với nhan đề “Về việc khai khống thủy cầm tiêu hủy ở Tứ Cường (Hải Dương)-Bệnh thành tích hay tư túi cá nhân?” đăng ngày 14-7-2006.
Với công tác tổ chức cán bộ, ông Hưng cũng có những biểu hiện vi phạm nguyên tắc. Việc đề bạt, tiếp nhận, điều động cán bộ cũng như khi thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra về xử lý cán bộ vi phạm, ông Hưng chấp hành và thực hiện không nghiêm túc. Ví dụ, trong thời gian từ năm 2001, huyện Thanh Miện được nhiều cơ quan nội chính tiến hành thanh tra, kiểm tra và có kiến nghị xử lý những cán bộ sai phạm. Bà Lê Thị Mỵ, cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường vi phạm nguyên tắc quản lý đất đai, làm sai lệch hồ sơ, năm 2001 và năm 2003 lại tái phạm, đến tháng 4-2006 ông Hưng mới chỉ đạo Hội đồng kỷ luật xem xét, xử lý ở mức độ nhẹ hơn vi phạm lần đầu. Một số phòng, ban có sai phạm khác cũng không được kiểm điểm, xử lý cán bộ nghiêm túc và kiện toàn bộ máy tổ chức kịp thời.
... Đến sử dụng văn bằng bất hợp pháp
Hồ sơ quản lý cán bộ của ông Hưng lưu ở Ban tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương có hai văn bản xác định trình độ văn hóa trung học. Với văn bản thứ nhất “Bản sao: Bằng tốt nghiệp trường phổ thông cấp 3” ông Hưng thừa nhận do chính mình viết tay và ông Chánh văn phòng UBND huyện khi đó ký, ghi ông Hưng tốt nghiệp khóa thi 1970-1971. Ông Hưng đã thừa nhận văn bằng này là giả. Văn bằng thứ hai là “Giấy chứng nhận tốt nghiệp bổ túc trung học” do Sở Giáo dục-Đào tạo Hải Dương cấp ngày 27-10-1999, xác nhận ông Hưng trúng tuyển kỳ thi bổ túc trung học ngày 8-6-1983 tại Hội đồng thi xã Ngũ Hùng, Thanh Miện với số báo danh 44 và số thứ tự 22. Nhưng qua kiểm tra của cơ quan có trách nhiệm thì trong danh sách trúng tuyển lưu tại Sở Giáo dục-Đào tạo số báo danh 44 và số thứ tự 22 bị tẩy xóa không hợp pháp và viết đè tên, ngày sinh, quê quán của ông Hưng lên đó. Bản lưu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy số báo danh 44 và số thứ tự 22 là của Vũ Thanh Huyên ở xã Đoàn Kết, Thanh Miện. Ba chữ ký xác nhận môn thi vẫn nguyên là chữ ký của Vũ Thanh Huyên, không có chữ ký của ông Hưng. Ngày 15-9-2006, Sở Giáo dục-Đào tạo Hải Dương đã ra quyết định số 109 thu hồi Giấy chứng nhận bất hợp pháp trên của ông Hưng.
Điều đáng nói là mặc dù đã có đủ căn cứ để xác định ông Hưng sử dụng văn bằng không hợp pháp, nhưng ông Hưng vẫn cố tình tự đi xác minh mang về những bằng chứng không thuyết phục, thiếu khách quan để bao biện cho việc vi phạm của mình, thậm chí còn có đơn gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngày 18-10-2006 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 411 trả lời khiếu nại của ông Hưng, trong đó nói rõ ông Hưng không có tên trong danh sách trúng tuyển tại Hội đồng thi xã Ngũ Hùng năm 1983.
Không để kéo dài
Trước những sai phạm trên của ông Bùi Trọng Hưng, ngày 1-11-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã xem xét, quyết định: “Thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức huyện ủy viên và giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thi hành kỷ luật về chính quyền đối với đồng chí Bùi Trọng Hưng”. Đồng thời Ban Thường vụ cũng giao cho Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy cùng các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung trên và quy định phải hoàn thành trước ngày 30-11-2006.
Thế nhưng việc kỷ luật về chính quyền đối với ông Bùi Trọng Hưng vẫn chưa dứt điểm như quyết định của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương. Ngày 3-1-2007 trao đổi ý kiến với chúng tôi, lãnh đạo Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện Thanh Miện cho biết đã làm xong mọi thủ tục đề nghị kỷ luật chức chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện của ông Hưng từ lâu và đã báo cáo đề nghị tỉnh nhưng vẫn chưa có kết quả. Vẫn biết dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương có ý kiến thắc mắc về sự chậm trễ này, nhưng vì theo quy định về quyền hạn, huyện chỉ còn cách phải chờ tỉnh mà thôi. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo cơ quan chức năng-cơ quan có trách nhiệm tỉnh Hải Dương cho biết: Về quy trình, thủ tục kỷ luật đối với cán bộ có chức danh chủ tịch UBND như ông Hưng, tỉnh cũng đang “bí” vì thiếu những hướng dẫn chi tiết, cụ thể của trên.
Dù do bất cứ lý do gì thì sự chậm trễ và thiếu kiên quyết trên đây cũng khó chấp nhận và không thể để tiếp tục kéo dài. Chúng tôi đề nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm tiến hành xử lý nghiêm minh, dứt điểm những sai phạm của ông Bùi Trọng Hưng, tránh những phản ứng, bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, nhất là khi chúng ta đang triển khai thực hiện tích cực cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa X của Đảng.
Phạm Văn Huấn và Lê Khanh